[Bình luận] My broken Mariko


Tựa sách: My broken Mariko

Tựa tiếng Việt: Nàng Mariko vụn vỡ của tôi

Dịch giả: Anh Huỳnh

Thể loại: đời thường, tâm lý xã hội, có yếu tố người lớn (lạm dụng tình dục, tự tử…)

Độ dài: one shot

Đơn vị xuất bản: IPM và NXB Hà Nội

Biết đến bộ phim chuyển thế trước cả khi cuốn manga này được xuất bản tại Việt Nam, thú thực tôi khá mong chờ ở nguyên tác. Phần giới thiệu của movie hứa hẹn một cách đặt vấn đề gây tò mò, khi câu chuyện mở ra lúc hai nhân vật chính âm dương cách biệt. Gần như đùng một cái, một người quyết tâm đến đánh cắp tro cốt của bạn mình, như một cách để giải thoát cô gái ấy.

Trên thực tế, không khó để đoán biết mạch truyện của manga ngắn này sẽ diễn biến theo hướng nào. Thời điểm chia cách đặc biệt đến vậy sẽ là mấu cớ, dần đi sâu vào mô tả Shino – người bạn điên rồ kia – là người như thế nào; Mariko – cô gái xấu số nọ là người ra sao để đến mức chọn con đường tự tử; giữa hai người bạn ấy đã xảy ra những chuyện gì từ thời còn cắp sách đến trường. Việc mở tung ra ngay từ khoảng chục trang đầu rằng Mariko là nạn nhân bị lạm dụng tình dục từ khi còn nhỏ, bị mẹ bỏ rơi, thường xuyên chịu cảnh bạo hành thân thể làm người đọc đã định hình ra tất cả những gì có thể được dùng để vun đắp câu chuyện. Mọi thứ thường xuất hiện trên mặt báo cùng các trang mạng xã hội đều được tường thuật ở đây. Không có yếu tố bất ngờ nào thực sự đáng kể. Nên khi đã lường đoán được gần hết, câu hỏi sẽ là tác giả làm thế nào? Làm thế nào để kể một câu chuyện được định hướng mang phong vị đời thường, nhưng lại chứa một bi kịch khuôn mẫu tiêu biểu?

Quyết định đọc oneshot này trước khi xem phim là một điều đúng đắn, bởi đây không phải một tác phẩm hoàn chỉnh. Dẫu có biết trước, người ta cũng khó cảm thấy cụt hứng khi theo dõi sản phẩm điện ảnh chuyển thể. My broken Mariko không hoàn chỉnh từ hình thức, cách sắp xếp, dẫn dắt và giải quyết tình huống, đến cách xây dựng nhân vật. Khó có thể coi đây mà một tác phẩm chỉn chu khi mà gập trang sách cuối cùng lại, dường như nó chỉ dừng lại là một tập bản thảo. Mỗi ý tưởng nảy ra là một gạch đầu dòng, mỗi gạch đầu dòng lại được thể hiện bằng vài khung hình hay những nét phác họa sơ khởi, vội vàng, thậm chí là nhem nhuốc. Câu chuyện của Hirako Waka làm tôi liên tưởng đến một tập storyboard cần phải được đắp nặn rất nhiều bởi người khác (như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim…) để biến ý tưởng sơ khai thành một sản phẩm có hình thù rõ rệt, thực thụ.

Cái vướng đầu tiên và trước nhất là hình thức của My broken Mariko. Bìa truyện được chăm chút tỉ mỉ hoàn toàn đối lập với nét vẽ được sử dụng xuyên suốt tác phẩm. Những nét bút nguệch ngoạc, đi nét ngẫu hứng với tốc độ rất nhanh trên phác thảo chì có vẻ cũng không kĩ càng, không tính toán, liệu có thể được giải thích bằng “phong cách cá nhân”? Những mangaka có nét vẽ thiếu hấp dẫn, không gọn gàng, rõ ràng. hay đơn giản và trực diện là xấu chẳng phải chuyện hiếm, đơn cử như tác giả của Shingeki no kyojin hay Naruto. Nhưng vấn đề của Hirako còn vượt xa cả chuyện lựa chọn một cách dựng hình méo mó, tùy hứng, không bắt mắt. Ngôn ngữ hình ảnh không phù hợp với nội dung câu chuyện lẫn không khí mà tác giả đang muốn xây dựng. Rõ ràng, Hirako muốn kể một tình huống bi kịch, nhưng độc giả phải liên tục tiếp nhận những khung hình, những biểu cảm bị cường điệu nhằm gây cười thái quá của nhân vật. Sự loạn ngôn ngữ thể hiện (cả ngôn ngữ hình ảnh lẫn ngôn ngữ thoại, ngôn ngữ văn học ngầm định trong cốt truyện) làm tôi không biết phải đón nhận nhân vật lẫn câu chuyện của họ trong My broken Mariko thế nào. Tôi có nên buồn không, có nên mủi lòng khi một khía cạnh vụn vỡ của Mariko được nhắc đến? Nên nhỉ, mạch truyện có vẻ là nhưng thế, nhưng sao hình ảnh của Shino lại chọc cười đến vậy? Nếu nói đây là thủ pháp của hài kịch đen thì có lẽ đó là chỉ hình dung của cá nhân tác giả. Ý tưởng ấy hoàn toàn thất bại trên sản phẩm thực tế với những biểu cảm, tình huống bị đẩy đến mức phô trương, phóng đại quá mức.

Nói về nội dung, My broken Mariko kể về hành trình của Shino (hay còn được Mariko gọi thân mật là Shi) kể từ lúc đánh cắp tro cốt của bạn mình. Tác giả lựa chọn kể câu chuyện của những nhân vật rất bình dị, khi cả Shino lẫn Mariko có thể là bất kì ai ngoài kia. Họ, những cô gái vô danh chẳng có gì nổi bật, luôn vô hình, luôn chết chìm ở đâu đó trong cuộc sống đương đại. Tình cảm giữa hai bên đang ở một điểm nhàn nhạt khi sự lớn lên làm người ta chia đường. Thời niên thiếu qua đi, ai cũng bị và dễ dàng chấp nhận việc mình trôi theo nhịp sống cuống cuồng của công việc, gánh lấy những nặng nhọc của tuổi trưởng thành. Quỹ thời gian cho chính mình lẫn cho nhau cũng dần bị hạn chế trong cái tặc lưỡi rất đương nhiên, mặc cho quá khứ từng nương tựa lẫn nhau có thể sâu sắc, cảm động đến thế nào. Cái “đương nhiên” của người trưởng thành ấy thay đổi khi cái chết của Mariko xuất hiện trên bản tin truyền hình. Tác giả muốn thông qua sự kiện đường đột ấy khơi gợi lại những xúc cảm con người nơi Shino, mà thứ khởi đi đầu tiên không phải sự xót thương dành cho người bạn bất hạnh. Shi hối hận. Động lực cho mọi quyết định của cô đầu tiên là hối hận, là tiếc nuối khi không thể làm được gì để cứu vãn người bạn chằng chịt những vết thương của mình.

Cái kết, cách giải quyết cuối cùng giữa Shino và hộp tro cốt của Mariko là phương án hợp lý nhất, trọn vẹn nhất. Thế nhưng, con đường đi đến đó chỉ là những sự kiện quá khứ rời rạc, kể về thái độ của Shino ra sao trước vấn đề của Mariko. Mariko có những cảnh đặc tả theo kiểu lát cắt như thế nào, mà mỗi khung hình đều chứa đựng một câu thoại hay một hình ảnh rất khuôn mẫu về những gì người ta thường hình dung khi nghe thấy cụm từ “bị xâm hại”, “bị bạo hành”. Đường dây cảm xúc không được nuôi dưỡng bởi thứ độc giả tiếp nhận được là những mẩu thông tin liệt kê vụn vặt. Người ta không kịp cảm nhận lẫn tiếp thu gì cả, ở tầng sâu. Xúc cảm ấy còn luôn bị gián đoạn, đánh đu giữa một bên là nỗi buồn đang nhẽ phải dành cho Mariko, hay sự chia sẻ với nỗi bất lực mà Shino phải gánh, còn bên kia là cảm giác kì cục trước biểu cảm của Shi hay tình huống ngoại cảnh ồn ào nào đấy. Nhân vật Mariko hiện lên thông qua sự hồi tưởng giống một cái giá mà tác giả treo móc lên đó tất cả những bi kịch mà mình muốn, mình có thể hình dung. Nhân vật “nói” những câu mà Hirako kì vọng sẽ tạo ra cảm giác đau đớn. Trong khi, vài khung tranh cảm động nhất lại là một khung không thoại, chứa hình ảnh Shi lúc trưởng thành đang ôm ấp Mariko bé nhỏ của ngày xa xưa.

Bên cạnh đó, nhân vật người qua đường được thêm vào chỉ như một cách để giải quyết tình huống quá đà mà tác giả tự tạo ra, khi đẩy Shino đến cảm giác “muốn chết” cùng Mariko.

Hirako Waka mong muốn kể một câu chuyện về tình cảm giữa những người bạn gái, thứ tình cảm bắt đầu bằng tình bạn nhưng qua năm tháng đã vượt ngưỡng ấy mà trở thành một thứ khác. Nhưng đó không phải tình yêu. Kể cả khi Mariko nói sẽ chết nếu Shino có bạn trai, nếu Shino yêu ai khác. Kể cả khi Shino bộc lộ sự đau đớn, phẫn uất tột cùng khi Mariko vỡ nát trong nỗi bất hạnh dồn dập và dai dẳng của chính mình, Một đằng là sự bấu víu, chiếm hữu đến tội nghiệp của một cô gái không có gì cả. Một đằng là tình thương yêu, thương xót giữa những người lớn lên cùng nhau từ thưở thơ ngây, mỏng manh. Không nên, không thể gọi đấy là thứ luyến ái đơn nghĩa giữa hai người cùng giới tính. Cách dán nhãn đó vô hình trung triệt tiêu đi sự đa dạng và bất khả định danh của những quan hệ phức tạp giữa con người với con người. Khi tư duy như vậy, dường như người ta đã giết chết tình bạn, giết chết những gắn bó phong phú, sâu sắc của thế giới; quy kết những quyến luyến, gắn kết rất đặc biệt giữa nữ giới về độc một cách định danh, theo cách tri giác ích kỷ, viễn tưởng và viển vông nhưng có thể đang hợp thời.

Trong những tác phẩm cùng khai thác mối quan hệ cảm động giữa con gái với con gái, My broken Mariko chỉ xuất hiện như một tập bản thảo ý tưởng có tiềm năng. Đáng tiếc, nó thiếu hụt những yếu tố rất căn bản, như sự chắc chắn trong xây dựng kết cấu câu chuyện, nhân vật; như sự đầu tư tỉ mỉ, một hình dung tổng thể và cẩn thận cho thông điệp cốt lõi. Nếu tìm kiếm một trải nghiệm riêng tư, sâu sắc và cảm động giữa những cô gái, tôi sẽ nhớ đến cách Ai Yazawa xây dựng quan hệ giữa Nana và Hachi trong manga Nana; hay nỗi xúc động vô bờ trong một chi tiết nhỏ bé diễn ra giữa nữ chính và cô bạn thời cắp sách đến trường trong bộ phim The Snow White Murder Case do Mao-chan thủ vai. Tất cả đều hơn một My broken Mariko thường thường, nhòa nhạt.

Bình luận về bài viết này