[Essentiel] 21


21. Mưa (2)

.

.

.

Lách qua khe cửa, quầng trắng mờ chỉ hoen được màu lên nền gạch hoa. Đường sáng yếu ớt ấy không hắt nổi vào khoảng không giờ đã gần chìm vào bao nhiêu chồng chất, giữa màu lam khi chiều tối, màu đen thẫm của ngóc ngách, và khoảng xám xanh loang lổ trên bức tường – nơi ánh sáng của màn hình máy tính chiếu tới. Ngón tay nhấn xuống, vật trước mặt liền tắt phụt. Sợi sáng mỏng manh, lay lắt kẻ vẽ trên tròng mắt cũng lụi tàn khi hàng mi khép chặt.

Mặt vùi sâu hơn vào cánh tay. Chân gập lại, rồi lại gắng co sát vào người hơn nữa. Từng chi tiết của cuộc ngã giá trong cửa hàng của Nhất Chi Mai tuần tự tái diễn trong đầu, càng cố xua đuổi càng lặp lại sắc nét hơn, rõ ràng hơn. Thái Anh tin mình đã dần vượt qua rãnh nứt thăm thẳm ấy. Cô ngỡ tưởng bản thân không còn bị hút xuống khoảng đứt gãy sâu hoắm, vô tận, nhưng lại gọi mời, hứa hẹn thứ lặng im sạch bóng màu sắc lẫn thanh âm của tất thảy thăng giáng, vui buồn. Đấy là thứ mở ra chỉ để nuốt chửng lấy người. Chỉ một tích tắc thôi trên cái miệng khép liền bình yên như cũ, dường như không thêm, chẳng bớt thứ gì giữa ngược xuôi đã quá ồn ào, chật chội.

– Ăn lê không con để mẹ gọt?

Giọng nói vang lên sau tiếng gõ cửa có đôi phần ngần ngại, rón rén. Giật mình, nuốt nước bọt xuống cổ họng khô rát, một chân thả xuống chạm lên mặt sàn lạnh ngắt khi Thái Anh ngồi thẳng người, điều chỉnh tông giọng cho thật bình thường:

– Không ạ. Con no rồi, bố mẹ cứ ăn đi.

Bước chân lúc nào cũng nhón khẽ trên đôi dép nhựa, chỉ cần đi xa một chút đã mất hẳn trong tin thời sự quốc tế. Vòng tay ôm chặt đôi chân theo tư thế cũ. Thái Anh thu mình trên ghế, ngọ nguậy mấy ngón chân chắc đã bợt bạt vì lạnh, cái lạnh chẳng liên quan đến đất trời. Nếu mưa sầm sập một trận rồi tạnh ngay, trả lại vòm trời quang đãng thì tốt biết bao nhiêu. Tâm trạng theo thế tự nhiên sảng khoái vô cùng, để mọi vướng bận trôi theo rào rào, xối xả. Còn thứ rả rích vốn phải thật lắng tai mới có thể nghe ra lại trở nên não nuột, lê thê hơn khi được tô đậm bởi phẳng lặng, bởi cái chậm rãi, ngoằn nghèo của biết bao nhiêu nhà trong phố.

Hơi thở nặng nề trút ra khi mấy ngón tay tạm thôi bấu chặt lấy cánh tay trái. Từng đường rạch dọc ngang giờ chỉ lưu đôi ba dấu tích. Phẳng lì, sạch sẽ đến thế nhưng thâm tâm chưa bao giờ quên chúng đã ở đâu, chưa hề thôi nhớ cảm giác lưỡi dao lam cứa ngọt xuống da thịt. Khe cửa hẹp mở toang gọn gàng. Tuôn ra cùng sợi tơ đỏ thẫm, mỏng manh chảy vòng xuống cổ tay, nhỏ giọt trên trang vở là thứ không phải đau đớn như đương nhiên phải thế.

.

Đau

Đau nên là thế nào nhỉ?

.

.

“Cậu chịu đau giỏi thế. Mình thua. Nhưng bị ốm sẽ được bố mua phở cho ăn, ngon hơn hẳn bình thường!” – Cái miệng liến thoắng bất chấp cục bông chèn cứng một bên má, rịt vào chỗ hổng hãy còn rỉ máu. Mi mắt còn đọng một giọt long lanh, tàn dư hậu sự kiện léo nhéo, lúc cô bác sĩ ở phòng y tế trường bằng vài thủ thuật đã gọn ghẽ lay bật chiếc răng hàm ra.

“Mình quen rồi!” – Bé Thái Anh cụt lủn đáp lời. Rõ ràng một cái răng lung lay đến thế thì chỉ cần đụng nhẹ là rụng ra, việc gì phải la oai oái? So với cả tá, cả chục lần dao kéo từng động lên người, nhổ một vài cái răng trở thành loại trải nghiệm dịu dàng, thậm chí còn quyến rũ.

“Không được quen!” – Túm vội lấy cổ tay cô, Trang Hạ lắc đầu quầy quậy, thảng thốt – “Chị Thu Lâm bảo cơ thể không thể quen với cảm giác đau. Vì đấy là… tím…à… tín hiệu báo nguy hiểm. Nguy hiểm thì phải lùi lại!”

.

.

Hai mắt nhắm nghiền dụi quanh vào cánh tay ôm. Thỉnh thoảng, Thái Anh muốn quay về thời nhỏ dại, trở lại làm mình của lúc đó, để lại được là con người cô luôn nói bản thân thích nhất. Chỉ để không phải chịu đựng thêm cái ngột ngạt như thể chết đuối mỗi khi trời ròng rã đổ mưa. Để chỉ cần lùi lại nếu thấy đau là ổn. Và để không phải biết còn có thứ khủng khiếp hơn cả mổ xẻ rồi khâu vá cơ thể giống con búp bê rách nát, được đáp bằng những mẩu vải sặc sỡ đủ mọi họa tiết, hình thù. Nhìn vào tấm gương nào đi nữa cũng rất khó khăn, nhất là khi còn nghe rõ một giọng nói trung thực hơn thì thầm, gợi nhắc hay khai mở đôi điều quan trọng. Nhưng thứ hoặc đã quên, hoặc chưa đủ dũng khí để nghĩ đến bao giờ.

“Tôi chẳng nợ nần ai… Tôi chấp nhận tất cả. Để biến mất. Triệt để”.

Ngôn từ luôn rất tàn ác. Tự nói ra chỉ thấy mỗi bản thân mình, thấy rệu rã khi mệt nhoài hít thở, cùng nỗi buồn bực vô hạn thầm tràn, dâng lên từng chút theo dòng nước chảy men xuống bờ tường chẳng một thanh âm. Chìm sâu, sâu hơn nữa vào thứ chất lỏng lạnh nhạt ấy, có lúc muốn xuôi theo rồi ngủ mãi, lại có lúc muốn đập cửa thoát ra nhưng chẳng thể làm được gì ngoài những tiếng khẩn cầu vô nghĩa với cả chính mình. Bởi dù có gào rách họng, cái nghe được chỉ là bọt nước sủi trắng rồi vỡ òa vào vô tận. Quẫy đạp, giãy dụa đứt hơi trong khe trống càng xuống sâu càng đậm màu lam thẫm chỉ được ru yên khi sắc đỏ loang ra. Nhẹ nhõm như tiếng thở phào, như giấc ngủ chiều buông chẳng hề mộng mị. Ghé trông lại quá khứ thấp thoáng trong khuôn miệng người khác, tuyệt vọng lẫn độc địa của chính mình chưa bao giờ sống động đến thế, khi bản thân được đặt ra ngoài những đường khung kín.

“Thái Anh! Thái Anh! Nhìn!”

Lại cái kiểu nói chuyện đau đầu, chẳng thèm quan tâm đến tâm trạng của ai bao giờ…

Góc đường ấy làm gì có gì ngoài mấy cây bàng. Quãng vô hạn lúc đôi mắt trơ khấc giương lên, đối diện với kim giây nhích thêm từng vạch, hay bên tai lặng nghe tiếng tim đập từng hồi để đo đếm thời gian trôi chảy thỉnh thoảng sẽ bị gián đoạn như thế. Ừ thì nhìn lên… Chẳng biết tự lúc nào, mùa lá mới đã phủ biếc vành ô, che lấp không chỉ những cành củi khẳng khiu, đen đúa mà còn xóa mờ màu xám nhớp nháp giữa lúc mùa nồm. Mặt trời khuất dạng, nhưng màu vàng kim lấp lánh lại lặn vào sắc non tơ óng chuốt, chắt chiu cả trời nắng xanh trong một tán bàng.

“Thái Anh, màu men này gọi là ‘vũ hóa thiên thanh’? Nghe hay nhỉ, hợp lý hơn baby blue”.

“Thái Anh! Nhìn lên đi!”

Từng mảnh kí ức rời rạc trong chuỗi thanh âm chưa khi nào thôi náo nức. Mở choàng mắt, mấy ngón tay nắm chặt mỏi nhừ từ từ duỗi ra. Bên ngoài cửa sổ, mảng tường xi măng xám ngoét thẫm lại dưới mưa, được nhuộm thêm vạt vàng cam của ngọn đèn vừa bật sáng. Đám trẻ con vỗ tay tíu tít “bố về, bố về” trong tiếng xe máy vang dọc con ngõ vừa dài vừa hẹp. Mái đầu cúi xuống, chăm chú nhìn cặp ván trượt tuyết theo lực nắm đã để lại những vết hằn sâu vào lòng bàn tay. Mưa không đủ nặng để làm động chao đen bằng sắt tráng men. Hiện ra giữa nét màu ấm áp, bất động hắt xiên qua tối thẫm, con thỏ nâu vẫn nguyên nét mặt ấy, quay cuồng ngớ ngẩn và như khóc mếu sau cú lộn nhào.

– Thủ đô Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành miền Bắc tiếp tục đối mặt với ngày thứ ba trong đợt mưa lũ lịch sử. Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, lượng mưa đo được ở khu vực nội thành đã vượt mức kỉ lục ghi nhận vào năm 1984. – Âm lượng tivi được chỉnh to lên theo yêu cầu của bà Hoa, mang theo giọng đều đều của phát thanh viên vang sát cửa phòng đóng kín – Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tích cực chỉ đạo di tản người dân khỏi những điểm có nguy cơ vỡ đê cao, ngập úng nặng. Tính đến sáu giờ tối nay, trên địa bàn Thủ đô ước tính có trên ba mươi điểm ngập nặng, tập trung chủ yếu ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, khu vực Hoàng Mai, phía Nam quận Ba Đình. Mưa lớn đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng ngày thứ hai liên tiếp…

Lật tung mấy quyển vở, vừa chạm vào cái Nokia được ông cụ thân sinh xuống khung, bàn tay liền hí hoáy bấm soạn cả một đoạn tin nhắn dài. Bỏ được di động xuống, cơ thể mới thừ ra được vài phút đã nhoài sang phía bên, gạt tấm khăn hoa phủ trên điện thoại bàn xuống.

– Lên đến ngần ấy rồi? Thế là gấp năm lần lúc bình thường… Chết dở. Thế mà chị bảo có cần mua gì không thì con Thái Anh cứ gắt ầm lên.

Nhăn mặt trước đoạn đối thoại của mẹ và dì Hạnh, cô gái khẽ khàng nhấn cái nút chỗ ống nghe xuống, rồi mới đặt điện thoại về chỗ cũ. Móng tay lách cách gõ mặt bàn rồi lại bấm mở di động. Đương nhiên chưa thể có tin nhắn trả lời.

.

.

.

Đèn pin từ chiếc Nokia rọi chói lóa, làm tia lửa bật lên khi đầu diêm quẹt vào vỏ gỗ bớt lung linh đi nhiều phần. Khum khum tay giữ cho lưỡi lửa không lụi mất, Trang Hạ châm đầu bấc rồi nhễu vài giọt sáp lớn lên cái đĩa trước khi dựng cây nến lên chắc chắn.

– Rửa chân chưa mà leo lên giường? – Quay lưng lại nên chỉ thấy bóng Duy lờ mờ phản chiếu trên cửa kính, cô gái càu nhàu trong lúc thắp thêm vài mẩu nến thừa khác để vào những chỗ an toàn nhất trong căn phòng chỗ không có vải thì có giấy – Ông Quang với bà Hương lại đang ôn nghèo kể khổ thời thanh xuân nhiệt huyết đấy à?

– Ờ. Anh anh em em gai cả người! – Lời bình luận ấy chẳng hợp chút nào với vẻ mặt thích chí rất chân thành của cậu con trai. Lắc đầu từ chối, Duy bảo Thụy Kha cứ ăn hết phần bánh ngọt cậu mang lên. Nhưng ánh mắt lại thật thà hơn nhiều, cứ dán lấy góc một phần tư có kem sữa tươi béo ngậy cùng bột sô-cô-la lấm tấm. Không phải cậu ngoài mặt nhường nhịn để ra vẻ anh lớn, còn trong lòng lại vẫn thèm thuồng. Chỉ là chợt nhớ đến cô gái đó, ướt sũng đến mức vừa nghiêng tay lấy đồ trong giỏ xe đã đổ ào cả đống nước trên áo mưa xuống đất. Miệng luôn toét ra cười, bảo mỗi người nhất định phải ăn một chút kẻo ế thì phí.

– Ai chả có ngày xửa ngày xưa. Làm như mày thì không có! – Trề môi ra, Trang Hạ tranh thủ vơ lấy gói bim bim không hiểu con bé cóc tích trữ từ bao giờ mà hôm nay lại thơm thảo mang ra mời mọc – Thơm vậy? Giống mùi hun khói.

Nhảy dựng lên kêu một tiếng thất thanh, vật trên tay rơi bộp xuống đất, Trang Hạ giật lùi lại, mắt trợn ngược. Con vật chết khô không rõ màu đen đỏ nằm im trên sàn, tứ chi giang ra trông hao hao con kì nhông, kì đà.

– Thấy ngươi xem đi xem lại cái phim hoạt hình gì gì có nhân vật ăn con này mà. Tưởng ngươi thích nên ta mới mua. Phí cả lòng tốt! – Thở phì phì, Thụy Kha xịu mặt xuống trong vẻ đanh đá bất cần.

Nhảy tót ra đầu giường ngồi chồm hỗm, Duy cúi nhặt món đồ ăn rùng mình lên, thổi phù phù qua quýt trước khi ngoạm một miếng nghe giòn rụm.

– Trông kinh thôi chứ ngon mà! Ngon hơn thịt bò khô nhiều. Hơi giống cá chỉ vàng, giống cả gà xé. Làm miếng!

Vỗ bốp lên đầu thằng em, hai bàn tay điên cuồng phủi lấy phủi để như sợ con bò sát vừa rồi còn dính mảnh vẩy nào trên người. Trang Hạ dí sát cái điện thoại vào ngăn tủ để lục tìm thứ gì dưới rất nhiều tập kí họa, phác thảo, lưu bút, cùng vô thiên lủng những cuốn sổ với đủ hình thù, kích thước được mang về chỉ vì bìa xinh, vì một con mèo ngu ngốc chổng mông vào mặt người khác, vì chất giấy mướt tay, hoặc là kết quả của một ngày cần tiêu tiền cho đỡ buồn.

– Tá lả ăn tiền đi Thỏ!

Bàn tay vung lên định gõ đầu thằng em thêm cái nữa nhưng luôn thua tốc độ của nó. Cô gái hậm hực chẹp miệng, rút ra cái túi đựng đầy những mẩu giấy in rất nhiều chữ, mấy món đồ nhựa bé xíu không đủ để làm đồ hàng, cùng một tờ giấy gấp làm tư được chia ô theo mấy màu căn bản.

– Gì đấy? – Bò lại gần, Thụy Kha tròn mắt nhìn rồi lẩm nhẩm đọc mấy thông tin không đầu không cuối như “nhận huê hồng 100 đồng”, “xây nhà: 200 đồng, khách sạn: 400 đồng”, “sinh con, mỗi người mừng tiền 20”.

– Cái này là cờ tỷ phú. Trò này vui lắm, để anh chỉ cho. – Đang định thuyết trình tỉ mỉ, cậu nhìn lên, hỏi lại – Muốn chơi thật đấy hả? Lúc nào bà chả phá sản ngay tức thì.

– Kệ-tao!

Giật lại cái túi, Trang Hạ leo lên giường, bắt đầu bằng việc trải phẳng tờ giấy lớn nhất vào chính giữa. Lần miết theo những đường băng dính dán kín bốn cạnh, dán đè cả lên những nếp gập vì sợ mở ra mở vào nhiều sẽ khiến bảng trò chơi rách bươm, Trang Hạ hơi thẫn thờ. Lâu lắm không còn đụng đến, giờ mới nhận ra đã cũ đến vậy. Vun sang một bên đống đồ nhựa tin hin có hình ngôi nhà, hình trụ tròn quy ước làm nhà hàng hay hình hộp chữ nhật được hiểu là khách sạn, bàn tay kiểm đếm đống tiền đủ mệnh giá cất ra một chỗ, rồi mới chia phần thẻ giấy còn lại thành ba tập để mọi người cùng xếp cho nhanh.

– Cái nào đề khí vận thì em đặt vào ô này, nhớ úp mặt xuống. – Duy chỉ vào một cái ô nằm một góc ở phần trung tâm tờ giấy vuông vắn – Cái nào đề cơ hội thì để ở đây. Còn lại là thông tin nhà đất, em bỏ riêng ra. Ai cần mua mới phát.

Gió nổi làm mấy tầm rèm căng phồng, thổi bay mấy mẩu giấy mỏng tang. Kiếm mấy thứ chặn tạm lên bộ trò chơi, Trang Hạ chạy ra định đóng cửa nhưng rồi lại chần chừ mãi bên khung gỗ. Vuốt qua vành ta là tiếng người cười nói vọng lên từ tầng dưới.

– Trông anh Quang phong độ thế, không nghĩ hơn ông xã nhà em gần một giáp. Chị chăm chồng khéo thật.

Tiếng cô hàng xóm lâu nay chỉ dừng lại ở một cái gật đầu chào hỏi lúc vô tình chạm mắt, hay dăm ba câu dặn nhau đi bầu cử, đi đổ rác, thông báo cắt điện luân phiên vọng lên rõ ràng. Ánh đèn pin loang loáng chiếu vào cửa kính mở rộng, hối thúc bước chân tò mò. Ghé mắt nhìn ra, Trang Hạ điếng người thấy ông bố đạp chân lên chậu cây cảnh làm điểm tựa, đu mình từ nhà hàng xóm về phía bên này. Đành rằng hai nhà xây sát nhau, tường kề tường, ban công sát ban công nhưng ngay lúc thời tiết dở dở ương ương đã thế còn mất điện, ông Quang thật sự quá… Khác với sự lo lắng rất không bằng lòng của đứa con gái, nhân vật chính trong lời khen lại cười khà khà:

– Đấy là điều kiện cần. Điều kiện đủ là kính vợ đặc thọ. Chú thấy tôi nói chuẩn không?

– Chuẩn không cần chỉnh, chỉnh là mất chuẩn anh ạ.

Vỗ vỗ tay vài cái cho sạch, ông cựu chủ thầu xây dựng nghiêm túc cất lời:

– Chỗ nứt trên trần và dọc bờ tường là do nhà bên cạnh lúc đào móng, khoan cọc không đúng kĩ thuật. Mưa to dẫn nước theo đó dột xuống. Mình được quyền yêu cầu bên kia xử lý, bồi thường sự cố. Đừng để lâu vì có thể gây nghiêng nhà, nguy hiểm lắm. Vợ chồng chú cứ bảo thử với bên kia, không được thì tôi qua nói cho.

Không để nhà hàng xóm cảm ơn cảm huệ quá nhiều, bà Hương liền hỏi sang chuyện khác:

– Hai đứa bé đâu?

– Chắc còn ngập lâu nên em bảo ông xã đưa hai cháu sang nhà nội rồi. Bố mẹ tát nước còn không đủ sức, mắt trước mắt sau đã thấy hai đứa vầy nước rồi nghịch đủ kiểu. Không thể trông nổi… Em có chục bánh tẻ biếu anh chị. Không có anh Quang, nhà em chả biết làm thế nào.

– Chuyên môn mà ông ấy còn không rõ thì mẹ con tôi chết đói. Cô chú khách sáo làm gì?

– Quà quê chứ có gì đâu. Chị cầm đi, coi như ăn giúp nhà em vậy. Có mỗi hai vợ chồng, giải quyết không hết… Mất điện thế này cũng có cái hay, không thì chắc chẳng bao giờ nói chuyện với hai bác. Chứ ở quê cả làng biết nhau cả, chả giống trên phố.

Chen vào tiếng rủ rỉ của hai người phụ nữ, cánh nam nhi bàn tán chuyện nhà cửa đất cát đột nhiên nhoài hẳn nửa người ra ngoài, lớn tiếng nói vọng xuống theo luồng sáng đèn pin quờ quạng chỗ góc đường:

– Ông Lân phải không? Mưa gió thế này ông đi đâu? Có mấy cái cống bên công ty thoát nước họ chưa rào lại, nguy hiểm lắm!

Nước ràn rạt theo chân người chạy xô tới. Mấy cậu thanh niên đang ngồi trước cửa đấu láo, bắn bi thuốc lào quẳng ngay cả thuốc lẫn điếu, chạy lại túm lấy ông cụ không hiểu bê vác cái gì đầy cả hai tay. Mưa gió thế này, không ở nhà mà lại ra đường mò mẫm có chết không.

– Hay phết nhỉ? – Duy gại mấy tờ phiếu dưới cằm, cười cười.

– Đến mày là hết được biết rồi. Hồi còn ở trên phố cũng thế. Cứ mất điện là mọi người kéo nhau ra hết vỉa hè ngồi nói chuyên vui lắm. Bọn tao hay chơi 1 2 3, cá sấu lên bờ ở chỗ máy nước công cộng ấy.

– Chỗ nào? – Cậu hỏi lại, nhăn nhó mặt mày vì tin cố bóp nặn một hồi sẽ tìm được vị trí ấy. – À, cái trụ bê tông trên vỉa hè, ngay trước quán bia nhà bà Huế? Tưởng là máy nước nhà đấy.

– Máy nước công cộng đấy. Thời bao cấp, chị Thu Hoài, Thu Mai ngày nào chả phải ra xếp hàng hứng nước ở đấy. Đến thời chị Thu Lâm thì đỡ hẳn. Đến tao thì thành chỗ vầy nước của bọn trẻ con rồi.

Ngày xa xưa sắp thành truyện cổ gợi về trong lời thuật lại, rồi được dựng nên bằng trí tưởng tượng của đám nhóc con. Cục bê tông chỉ cao đến khoeo chân người lớn, tròn nhẵn hai bên, lúc nào cũng khoác lên lớp rêu xanh đen trơn trượt vốn chẳng được mấy ai để ý. Nếu có, đó chỉ là nỗi bực dọc khi phần vỉa hè xung quanh không lúc nào được khô ráo, sạch sẽ, hay cái trụ kia làm việc dắt xe lên xuống thêm lắm nhiêu khê, phiền hà. Không sống ở đây ngày nào thì chẳng ai biết được quanh vật xấu xí, cỏn con ấy có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều gặp gỡ. Đấy là thời chị Thu Hoài, Thu Mai còn tết tóc hai bên, mặc quần lụa đen cùng cái áo hoa tay phồng, có cổ lá sen sến ơi là sến. Trời còn chưa sáng đã phải dậy, đứa cầm tem phiếu đi xếp hàng mua đậu phụ, mua rau vì người ta đôi khi ưu tiên trẻ nhỏ, đứa thì mang cục gạch ghi rõ cả tên ra xếp hàng trong đoàn người rồng rắn để xách đầy hai xô nước.

Đến lúc Trang Hạ được bốn, năm tuổi, cái máy nước đó trở thành dấu mốc để lũ trẻ chơi 1 2 3, đọc váng lên mấy câu “hổ báo cáo chồn về làng ta ăn thịt… con chó, con mèo, con gà… con người” rồi co giò chạy thục mạng. Nghĩ cũng lạ, vỉa hè những khi mất điện trở thành đặc quyền của đám trẻ con và các bà, hiếm lắm mới thấy các mẹ, và tuyệt nhiên không có thanh niên hay cánh nam giới bao giờ. Cầm theo quạt nan phe phẩy, tờ báo cũ hay cái dép, cái guốc để kê mông là đủ để người ta nói cả ti tỉ chuyện trên đời. Đôi lúc sẽ bực bội vì bộ phim xem dở bị đứt quãng mà chịu chết không thể nào xem lại, chưa kể thói đời lại hay mất điện vào những lúc gay cấn nhất. Nhưng rồi cũng quên tiệt khi trò chơi bắt đầu.

– Bọn con gái thường quây quanh mấy ngọn nến chơi đồ hàng. Bác Thuần lấy mấy hộp nhựa đựng bột giặt dạng kem, phải cho tay vào vét ấy, chế thành đèn lồng rồi cho nến vào, xách đi đâu cũng tiện. – Tựa người vào cạnh bàn, Trang Hạ khua tay miêu tả từng thứ một như thể rút được chúng ra từ trong kí ức – Đồ chơi không phải bán theo túi, theo bộ như bây giờ. Tao với chị Thu Lâm thừa kế gia tài của chị Thu Hoài, chị Thu Mai ki cóp từ đời nào. Có cái chậu nhôm to bằng bàn tay này, bát chiết yêu bằng nhựa bé thế này thôi, có bếp dầu, 1 cái ghế thấp đóng bằng gỗ xịn nữa… Bác Thuần đi công tác mang về bộ nồi bằng gang xinh lắm, nấu được cả cơm. Bọn con trai thì chơi con quay, ném lon, đấu kiếm… Nghĩ lại thấy vui phết!

– Ở bên kia có bán con giống, nồi niêu làm bằng đất. – Thụy Kha vỗ tay thêm vào – Ai giàu hơn mua đồ sứ vẽ hoa cho con chơi. Còn đồ kim loại nhỏ nhỏ chỉ để chôn theo người chết.

– Thỏ có bao giờ ghét tôi không? – Duy hỏi, ngón tay mân mê quanh tờ giấy được cắt cẩn thận, dán lên một mẩu bìa cứng rồi bọc băng dính trước sau cho khỏi cong rách – Vì… hồi đó bố mẹ chỉ mải để ý tôi ấy.

– Không. Sao phải thế? Trẻ con cần được quan tâm là đúng rồi còn gì. Tao biết thông cảm với những đứa ăn, ngủ, ị đều phụ thuộc vào người khác lắm chứ.

– Ý tôi là… Bà không bao giờ thấy bị ra rìa à?

– Thôi, ông cho tôi xin. Móc đâu ra đấy? – Tròn mắt hỏi lại, cô chị gãi gãi giữa trán, phân trần – Nhà mình chẳng ai nói thế, mãi sau tao mới biết có cái từ đấy trên đời. Có thể tao thích ở nhà bác Thuần hơn nên thấy bình thường. Bất tiện nhất… chắc chỉ vì tao quen làm em, tự nhiên phải làm chị mày. Là cháu đích tôn mới mệt, chứ tao chơi dài, sướng bỏ xừ.

Vai nâng lên rồi hạ xuống bâng quơ. Ngọ nguậy mũi để ngăn cặp kính không tiếp tục trôi xuống nữa, Duy lật qua lật lại mấy tờ phiếu trong tay, máy móc đặt vào những vị trí đã quy định từ trước. Chợt, không còn thấy nữa nỗi hăm hở, hân hoan như khi cậu muốn chỉ cho Thụy Kha thứ này được chơi như thế nào. Tuy những điều xảy ra trước sự ra đời của mình chỉ nằm trong dăm ba câu tóm lược rất đại khái, nhưng Duy hiểu sự xuất hiện của bản thân là kết quả của sự đợi chờ, đi từ sốt ruột sang thất vọng rồi thỏa hiệp. Cuối cùng, mọi thứ vỡ ra vào ngày không ai còn hy vọng gì nữa. Con trai luôn là một vấn đề hệ trọng trong gia đình. Có chăng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mong muốn ấy sẽ được thể hiện ra theo những cách khác nhau.

“Lúc có con giống hệt hồi bầu chị Thỏ nên mẹ có nghĩ sẽ đẻ con trai đâu. Bạn mẹ ai cũng bảo lấy chồng già thì sướng, hồi cưới bố Quang mẹ chỉ cười cười thế thôi chứ không nghĩ nhiều. Về sau ngẫm mới thấy đúng.” – Bà Hương từng nói thế, lúc soạn chỗ quần áo cũ của chị em cậu đem cho mấy cô ở cơ quan có con nhỏ – “Vì bà nội con theo Phật, bà còn có cả tên hiệu nhà chùa đặt cho đấy, nên lúc mẹ về làm dâu thì chuyện có cháu nối dõi đã thôi cưỡng cầu rồi. Có khi lúc đó cả nhà còn nghĩ bố con lấy được vợ là may. Nếu có áp lực thì phải là bác Thanh Thu. Ông nội đương nhiên muốn có cháu chống gậy, các cụ ở thế hệ ấy ai cũng thế. Nhưng vì bà nội không nói nên ông cũng không đả động đến bao giờ. Bác Thuần học trường Tây, nói tiếng Tây nhưng là con trưởng, việc thờ tự đương nhiên vẫn trăn trở nhiều, thành ra bố Quang cũng băn khoăn”.

Trước sự âu yếm của mọi người xung quanh mà phần nhiều toàn là phụ nữ, một đứa trẻ sẽ không thắc mắc, càng chẳng so đo hay ngẫm nghĩ gì. Nó dần coi những chăm bẵm ấy là tự nhiên, là đương nhiên. Duy không nhớ chính xác từ lúc nào mình cảm thấy có sự khác biệt rõ ràng trong cách đối xử của gia đình dành cho hai chị em cậu. Nếu đó là sự phân định rành rọt, nhất bên trọng, nhất bên khinh như cách vẫn thường miêu tả về thói hủ bại, gia trưởng lỗi thời thì có khi lại dễ dàng. Càng lớn mới càng nhận ra còn nhiều lớp chuyện khác chồng chất lên nhau, rẽ lối khác xa những lắt léo mà người ta lặng lẽ kẻ vẽ như một sự đại diện tuyệt đối.

Trong nhà tồn tại một nghịch lý, khi đứa em mới là đối tượng dùng để răn đe, minh họa cho thái độ chăm chỉ, tự giác học hành. Nguồn cơn xuất phát từ nỗ lực (tuyệt vọng) của phụ huynh, hòng kìm hãm bản tính lãng đãng treo ngược cành cây của Trang Hạ. Con chị không ghét thằng em mẫu mực, chăm ngoan. Nhưng Duy từng rất ghét Trang Hạ, ghét từ cái kiểu đung đưa chân lúc ngồi trên ghế, ghét sang dáng bò nhoài ra bàn vẹo hết cả cột sống khi lén lút vẽ vời, ghét đến vẻ mặt ngơ ngẩn nhìn ra ngoài cửa sổ, bất kể ngày mai có bài kiểm tra. Ghét nhất là lúc cô nàng ngáp sái cả quai hàm rồi sẽ buông bút, lén lút nịnh cậu em bày trò gì đó để chơi. Nỗi khổ sở của bố mẹ sau cả ngày đi làm còn phải thay nhau canh đứa con gái học bài, chỉ để nó không vẽ bậy hết mấy trang giấy nháp thay vì làm xong vài con tính đơn giản khiến Duy thề tuyệt đối không thành người giống chị gái. Không bao giờ.

– Mày biết chuyện ông thầy bói nói tuổi tao hợp với ông Quang, vì tao ra đời nên sự nghiệp của bố mới phất? Nhưng mày là con trai nên còn tốt hơn, mới thế nọ thế kia? – Trang Hạ nhổm người, kê mông lên bàn, để chân thòng xuống cách mặt đất một chút. Kẹp bút chì dưới mũi, cô cố gắng kéo hai con ngươi lại gần nhau khi chú mục vào một điểm trên thân gỗ bọc sơn vàng.

– Ngươi hợp với bố thật mà. – Thụy Kha gật đầu xác nhận. Con bé đã xong việc của mình từ lâu nhưng chỉ biết ngồi im chứ chẳng dám lên tiếng xen vào. Bên cạnh nó, Duy hờ hững không rõ là nhún vai hay gật đầu, cũng chẳng nói thêm gì.

– Mày tin thế thật? – Chiếc bút chì rơi xuống bàn tay đã đợi hứng sẵn khi Trang Hạ phá ra cười như nắc nẻ. – Đúng là chị em. Tưởng thông minh thế nào. Chẳng có chuyện vì hợp nọ hợp kia nên mới yêu quý nhau. Kể cả thế thì phải cảm ơn mấy ông thầy cúng chứ.

– Bà nghĩ cái gì đấy?

Xòe bàn tay ra như thể làm tính, ba ngón tay lần lượt co lại khi cô gái trình bày:

– Thí dụ là mấy ông ấy phán vì số tao tốt, bố phải chiều chuộng tao nếu muốn giàu, thì lời đó có thể thay đổi lập trường của ông Quang, nếu chẳng may bố từng thất vọng vì tao là con gái. Chỉ cần có lý do để bắt đầu thôi, lý do gì cũng được. Thử rồi sẽ quen, que đối xử tử tế với nhau. Quen rồi lâu dần sẽ thành thật. Đấy là tao tính trường hợp xấu nhất, chứ tao không nghĩ thế đâu đấy!

– Vì con mắt đó nên…?

Duy hơi nghiêng vào phía trong. Ánh nến tù mù chiếu tới không đủ soi rõ thái độ phớt qua góc mặt ấy. Vài hạt sáng trong mắt Trang Hạ phập phù theo chiều gió, khi trời lại ngúng nguẩy đổ ào thêm mưa, nhấn nhá lên bản nhạc lê thê, não nùng. Cô lắc đầu, bàn tay đặt sau lưng vuốt dọc theo cạnh bàn nghiêng dốc xuống theo lối chỉ dành cho đám họa sĩ, kiến trúc sư.

– Mắt này nhìn được thứ không-phải-con-người thôi ông tướng ạ! – Nhấn giọng mạnh mẽ lên trọng tâm cốt yếu, cô xòe mấy ngón chân đã bong tróc lớp sơn màu vỏ quýt, ngẫm nghĩ nên đổi sang vẽ loại họa văn nào – Biết là biết thôi. Nghĩ lắm làm gì. Làm người tử tế đủ mệt rồi, đừng bày trò nữa. Phiền lắm!

Chẳng biết phản bác hay tiếp tục câu chuyện ra sao, cậu trai chợt cảm thấy may vì điện thoại đổ chuông. Ngẩn ra một hồi, hai người nhìn nhau. Âm thanh đơn điệu ré lên lạ lùng giữa không gian im ắng không phải nhạc chuông di động.

– Điện thoại bàn kìa! – Thụy Kha nhướn mày chê trách, hất đầu về phía chồng sách vở từ lâu đã đổ xuống che lấp vật chẳng còn dùng tời nữa.

Nhảy lò cò ra phía đó, chào hỏi, vâng dạ xong xuôi, Duy quay sang đưa phần ống nghe của chiếc điện thoại mẹ bồng con cho Trang Hạ:

– Chị Thái Anh gọi này.

– Alo, gọi gì tôi đấy? – Nét miệng cười cười khi cô gái hỏi, ngón tay miết theo mép gỗ của bàn học kiêm bàn vẽ. Đó còn chẳng phải quà sinh nhật dù từng số đo đều được tính toán riêng phù hợp với cơ thể lẫn thói quen cầm bút, cất giữ đồ dùng cá nhân của Trang Hạ. Một ngày đi học về đã thấy cái bàn mới tinh, thơm nức mùi gỗ thay cho chiếc bàn lúc trước. Ông Quang còn bảo Duy dùng đồ cũ của chị là được rồi, lớn đổi cái mới sau.

– À… Thấy ti-vi bảo khu nhà cô ngập sâu, tôi nhắn tin xem tình hình thế nào nhưng không thấy cô trả lời nên… hơi lo.

– Chắc vứt di động ở đâu rồi. Để tẹo tìm. Nhà tôi không thảm bằng nhà ông Gà đâu. Thái Hà ngập khiếp lắm. Đi mua ít đồ mà xe ô tô phóng qua tạt nước lên tận đỉnh đầu. Bố ông Gà còn sợ cửa cuốn chỗ văn phòng sau vụ này phải thay mới, không chịu được sóng đánh kiểu ấy. Nhưng thấy dân tình rôm rả phết, có khi còn tổ chức thi bơi. Khu tôi các vị rủ nhau câu cá rồi đóng bè xốp di chuyển cho tiện kia kìa.

– Có bất tiện gì không? Tầng một nhà cô thấp hơn mấy nhà xung quanh còn gì.

Lắc lắc đầu, ngón tay xoắn lấy lọn tóc khi cô gái đổi chân trụ để tiện nhịp nhịp xuống sàn theo điệu nhạc nào đó.

– Nước vào nhiều hơn thật, nhưng dọn phòng khách một buổi chiều là xong. Chủ yếu phải di tản bộ bàn ghế của ông Quang thôi. Gỗ xịn mà để ngâm nước vài hôm thì chết.

– Tay phải của cô…

Cười phì trước thái độ gấp gáp, hốt hoảng của cô bạn, Trang Hạ cau mày hỏi lại:

– Nghĩ tôi là siêu nhân chắc? Còn Duy mà. À, nhà tôi bị cắt mạng mấy hôm nay rồi. Nhắn hộ tôi mấy câu để chị Thu Lâm yên tâm nhé… Này, gọi chỉ vì thế thôi? Thế thì hết rồi đấy, gác máy đi ngủ đi.

Bờ vai hơi rung lên không biết vì đầu dây bên kia nói cái gì. Quay lại, cô ra hiệu cho Duy và cô bé cóc cứ bày đồ chơi ra, còn mình chạy ra ngoài một lát.

Cảnh cửa phòng đóng kín ngăn những tiếng chuyện trò khe khẽ, rúc rích đặc trưng của đám con gái vọng tới tròn vành rõ chữ. Ánh mắt chợt chạm phải cái gạt tàn sạch bong lấp ló trên giá vẽ, khóe miệng Duy hơi nhúc nhích nhưng không lên tiếng. Của nợ hình con mèo khoang nhem nhuốc như mới chui ra từ đống tro bếp ấy là sản phẩm sau môn gốm của Trang Hạ. Và thật kì lạ khi món đồ đó lại được dùng đúng với công dụng, chứ không như những thứ quái đản khác con thỏ kia tạo ra.

– Sao anh không bao giờ gọi Trang Hạ là “chị”? – Dí phiếu thông tin bất động sản vào gần ngọn nến, Thụy Kha nằm nhoài ra, hai chân đung đưa qua lại khi thắc mắc.

– Lúc bé có gọi nhưng sau rút lại chỉ còn “Thỏ” rồi thành như bây giờ. Con mụ ấy có đáng gọi bằng “chị” không?

Chống tay đỡ lấy cằm, cái đầu gật xuống một nửa rồi dừng lại khi con bé quay sang:

– Xì, anh tự coi mình là anh trai của Trang Hạ thì có!

Bình luận về bài viết này