[Bình luận] Suzume


Tựa đề: Suzume no Tojimari (Khóa chặt cửa nào Suzume)

Đạo diễn: Shinkai Makoto

Kịch bản: Shinkai Makoto

Diễn viên lồng tiếng: Hara Nanoka (Iwato Suzume), Matsumura Hokuto (Munakata Souta)…

Thể loại: hành động, phiêu lưu kì ảo

Sản xuất: Aniplex, CoMix Wave Films, East Japan Marketing & Communications Inc.

Ngôn ngữ: Tiếng Nhật

Thời lượng: 2h02’

Thông tin khác:

  • Định dạng: 2D
  • Công chiếu 11/11/2022 tại Nhật

.

.

.

SUZUME

.

Đóng lại . Mở ra

.

.

.

.

.

.

Sau hơn một tháng Suzume no Tojimari (từ đây gọi tắt là Suzume) ra rạp, hôm qua mới thu xếp được thời gian đi xem. Phận đi săn chương trình giảm giá, promotion để có vé miễn phí nên mới muộn màng như vậy. Nhưng việc tác phẩm mới nhất của Shinkai Makoto còn trụ ở những rạp lớn, có những suất chiếu đẹp, khá dễ lựa chọn khung giờ phù hợp là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm ảnh hưởng lẫn sự thành công của câu chuyện này. Dạo gần đây, cơ hội ra rạp tuy không nhiều, nhưng lần nào cũng là một may mắn. Được thưởng thức một loạt tác phẩm từ chỉn chu tới xuất sắc với những Avatar, phần 3 của Chú mèo đi hia chẳng hạn là sự gợi nhắc quan trọng rằng, thành công của các nền tảng chiếu phim trực tuyết như Netflix, Amazone Prime, v…v… không thể thay thế việc tận hưởng điện ảnh trong không gian được thiết kế đặc thù cho hình thức trình chiếu này. Đó là trọn vẹn. Đó là bùng nổ và mỹ mãn. Cũng khá lâu rồi, kể từ hồi Your Name ở quê, giờ mới lại được xem một phim chiếu trên màn hình cong. Đây cũng là lần đầu tiên trong tôi không ngồi ở hàng ghế ở tầm giữa mà leo tít lên hàng gần cao nhất trong một phòng chiếu được thiết kế theo cấu trúc của một amphi. Thay đổi đó dù xuất phát từ việc đến chỉ vừa kịp giờ tắt đèn nhưng hóa ra lại là một sự đưa đẩy hợp lý, để được nhìn sự đẹp đẽ của Shinkai Makoto từ góc độ bao quát nhất.

.

Để đánh giá tổng quát về chất lượng của Suzume, tôi có thể nói đây là tác phẩm cho người xem thấy những điều đã rất cũ, rất quen, rất bình thường, thậm chí là rất dễ đoán có thể được kể ra sao để vẫn đảm bảo tính bùng nổ, vẫn khiến khán giả thấy thỏa mãn và đồng cảm với từng chi tiết, nhân vật được mang lên màn ảnh rộng. Suốt thời lượng phim, không có yếu tố bất ngờ nào trong phát triển nội tâm nhân vật , cốt truyện lẫn xây dựng tình huống. Tất cả những gì có thể hình dung trước từ ngay trailer đều diễn ra đúng như dự đoán. Suzume kể về khúc ngoặt của nhân vật chính – Suzume, một nữ sinh trung học không có gì nổi bật, sống ở làng quê miền biển phía Nam Nhật Bản cùng với người dì ruột sau khi mẹ qua đời vì thảm họa tự nhiên. Cuộc đời cô gái 17 tuổi thay đổi vào cái ngày định mệnh, khi cô đi lướt qua Souta, người đang đi tìm những khu phế tích để đóng lại những cánh cửa nổi thông thế giới của thần với thế giới con người. Những cánh cửa đó cho phép giun đất – một sinh vật thần thoại không có ý chí lẫn mục tiêu cụ thể đủ để làm một nhân vật phản diện – chui qua và làm ra những cơn động đất thảm họa ám ảnh người Nhật. Vì tò mò, vì thấy Souta gợi lên một cảm giác rất quen nhưng lại không thể lý giải, Suzume bị cuốn vào cuộc hành trình nguy hiểm của anh. Từ chỗ không hề liên quan rồi thành bạn đồng hành cùng nhân vật nam theo motif điển hình của truyền thống shoujo, Suzume dần đảm đương vai trò hỗ trợ, thậm chí bất đắc dĩ trở thành bế sĩ – người có thể nhìn được giun đất cũng như có năng lực đóng những cửa ma thuật kia lại – thay cho Souta. Lý do cũng rất là lý do. Chẳng qua cô vô tình giải phóng cho yêu thạch về lại hình dạng một con mèo tinh quái. Rồi lại vô tình thế nào, vị thần đỏng đảnh và khó đoán kia không thích tiếp tục công việc phong ấn giun đất của mình nữa. Nó chọn làm thú cưng của cô, nó chọn Souta làm người thay thế và biến anh chàng điển trai thành cái ghế ba chân.

.

Cuộc hành trình đóng cửa vẫn phải tiếp tục. Việc bắt Daijin quay về nhiệm sở cũng như đòi lại thân xác con người của Souta trở thành mục tiêu xuyên suốt bộ phim, hướng tới mục đích tối hậu không được để con giun đất xâm nhập và phá hoại thế giới con người. Trong những cuộc phiêu lưu kỳ ảo như thế, nữ chính phát sinh tình cảm với nhân vật nam là hướng đi kinh điển đầy khuôn mẫu. Đương nhiên, để câu chuyện trở nên có chiều sâu, cuộc hành trình tuyến tính ắt được điểm xuyết bằng một vài mảnh ghép trong quá khứ để khắc họa rõ nhân vật chính là người thế nào, có khoảng tối gì. Đôi ba cuộc gặp gỡ với những người lạ mặt, một vài tương tác không-thể-thiếu với những người quen biết từ trước là công thức hiển nhiên. Ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ đạo diễn kiêm tác giả kịch bản đã chơi bài ngửa với khán giả ngay từ trailer rồi. Ai cũng có thể dễ dàng nhìn ra dàn bài rất đơn giản và căn bản mà tác phẩm này sẽ đi theo, đến mức tôi nghĩ không còn gì để kỳ vọng hay phỏng đoán hồi hộp nữa.

.

Vậy điều gì đã làm cho Suzume trở thành một tác phẩm tốt?

.

Tôi biết Shinkai là cha đẻ của 5cm/giâyKhu vườn ngôn từ, có điều danh xưng “phù thủy nỗi buồn” chỉ dừng lại ở nhận xét trên báo chí, chứ bản thân tôi chưa từng trải nghiệm đặc sản này của tác giả. Tôi có những kiêng kị nhất định với những tác phẩm buồn bã nằm ngoài thể loại chính kịch lịch sử. Cuộc đời không phải đã thừa mứa những đau thương, thất vọng hay nuối tiếng sao? Tác phẩm đầu tiên đóng dấu ấn sáng tạo của Shinkai mà tôi biết đến là Your Name, nên tôi sẽ tránh những so sánh giữa Suzume và các tác phẩm khác trong bài viết này. Tôi cũng không quan tâm tác giả có muốn thoát khỏi cách định danh “phù thủy nỗi buồn” kia hay không. Thật đơn giản, tôi hiểu đến một lúc nào đó, vì một thôi thúc nào đó, sẽ có những người muốn làm khác đi. Đó không chỉ là một trải nghiệm nghệ thuật để làm tươi mới năng lượng sáng tạo hay thách thức chính bản thân mình. Ở Suzume, tôi cảm thấy một nhu cầu nội tại, rất con người nơi Shinkai, khi ông muốn nhìn rồi đón nhận thế giới một cách âu yếm, tràn đầy hy vọng, nâng niu và tin tưởng. Điều đó đã có trong Your Name và được tiếp tục ở trong tác phẩm này mà thôi. Tại sao cứ nhất định phải buồn? Bi kịch có thể khiến người ta nhớ lâu, day dứt khôn nguôi, nhưng không có nghĩa cái bi sẽ sâu sắc hơn niềm vui hay sự hạnh phúc. Tôi tin vậy.

.

Lý giải cho sự thành công của Suzume không khó, nếu tiếp cận từ góc độ rất cơ học. Thành tích của những bộ phim trước mà tiêu biểu là Your Name đã khiến Shinkai Makoto có một lượng người hâm hộ cố định. Tên tuổi của ông là bảo chứng cho những tác phẩm chất lượng. Khi đạt được vị thế như vậy, việc tiếp tục ra phim, khía cạnh kinh doanh sẽ được hậu thuẫn, bảo đảm bởi một nhóm khán giả cố định. Nhưng rõ ràng, Suzume làm được hơn thế. Nó vẫn là một tác phẩm độc lập nhất định với danh tiếng lẫn sự kì vọng sẵn có mà người ta đặt vào Shinkai. Bộ phim vẫn tiếp tục thể hiện được sự nghiêm túc trong tìm tỏi, thể nghiệm cũng như tình yêu với cuộc sống thường ngày, với nước Nhật đầy riêng tư, sâu kín của tác giả. Có điều, để nói tại sao Suzume là một tác phẩm tốt thì phải xem xét việc nó chưa tốt lắm ở những điểm nào.

.

Dù chọn điểm trần thuật từ nhân vật chính, cô nữ sinh trung học Suzume thì tốc độ phát triển tình cảm giữa cô và Souta vẫn có những điểm hơi quá đà. Không phải là vì nó nhanh quá hay dễ dãi quá. Bởi yêu là yêu, có thể ngay từ một ánh nhìn, cũng có thể phải mất 5, 7 năm hay lâu hơn thế. Thời gian không phải là vấn đề. Tương tác giữa nữ chính và nhân vật nam phụ trợ cũng đạt mức tốt, với nhịp độ và tình huống được tính toán vừa vặn, không thừa không thiếu. Kể cả anh ta có là cái ghế đi chăng nữa cũng không khiến những cử chỉ, thái độ tế nhị, ấm áp của Souta trở nên kém hấp dẫn. Yêu thích, bị thu hút vì một người có ngoại hình đẹp, một chút bí ẩn và có vẻ rất lịch sự, đứng đắn là điều khá dễ hiểu với một nữ sinh 17 tuổi. Nhan khống (mê mặt tiền) và thanh khống (mê giọng nói) kiểu cô em Suzume thì cun cút rình mò Souta cũng không phải lạ. Tôi đã qua tuổi hường huệ thiếu nữ 15, 16 nên giờ nhìn lại những motif kiểu này, có những tác phẩm khiến tôi thấy ấu trĩ, ngu ngốc và gượng ép, nhưng với trường hợp của Suzume thì không. Có chăng, sự quá đà và bị bón thúc nên không thật thuyết phục trong quan hệ của 2 nhân vật trung tâm nằm ở mấy điểm sau:

.

  • Dấu vết của cảm giác quen quen mà Souta mang lại cho Suzume không đủ đậm nét để có thể trở thành lý do cho việc cuống cuồng trốn học đi tìm một người xa lạ. Còn về sau, khi cô cảm thấy mình cần chịu trách nhiệm vì đã vô tình giải phong ấn cho con mèo Daijin, hay thấy mình có liên đới đến việc Souta bị biến thành cái ghế nên không thể thực hiện nhiệm vụ của một bế sĩ thì động cơ cho hành động bỏ nhà đi chu du (với giai) của Suzume đã vào guồng và trở nên tường minh rồi.
  • Vấn đề nổi cộm trong bộ phim này nằm ở cách khắc họa và khai thác tuyến tình cảm con người (không chỉ ở đôi nhân vật kể chuyện). Nó quá rõ ràng, quá highlight vào những câu thoại mang tính khẳng định quan hệ mà các nhân vật dành cho nhau. Khi bóc trần, tô đậm tình cảm thông qua lời nói, người xem sẽ bị đặt vào tình huống bị động, bị cưỡng ép tiếp nhận thông tin trong khi họ không thấy chúng được thể hiện từ trước. Trái ngược với những câu thoại mang tính chốt chặn, xác thực giá trị theo cách khá cơ học, thiếu tự nhiên, những tình huống cài cắm nhằm chuẩn bị lại không đủ nổi bật, không đủ ấn tượng vì bị cuốn theo nhịp của một bộ phim phiêu lưu, hành động, vốn bị dồn ép về cả không gian lẫn thời gian. Nếu những chi tiết ngầm này được làm tốt hơn thì chemistry cũng như sự thuyết phục về mặt cảm xúc, suy tính giữa các nhân vật sẽ ở tầm thể hiện hoàn toàn khác, đầy đủ hơn, có sức nặng hơn rất nhiều. Tiếc là Shinkai chỉ mới chạm đến chứ chưa làm hết nhẽ ở những tình huống, mấu cớ đinh như vậy.

Có thể thấy nhược điểm này thể hiện rõ trong cả quan hệ của Suzume với người dì, hay quan hệ của Souta với anh bạn lông bông. Về mặt ý tưởng, tuyến nhân vật phụ này rất hay, hay một cách độc lập, hay với cả việc hỗ trợ phát triển 2 nhân vật kể chuyện nhưng thực tế, ở lần xem đầu tiên tôi thấy họ khá nhạt. Duyên nhưng duyên chưa tới nên cảm thấy sự tồn tại của họ không thật cần thiết trong mạch truyện chính. Mục đích cho sự tồn tại của họ giống như việc gái vị thành niên bỏ nhà đi bụi chả nhẽ người nhà lại không đi tìm, tác giả liền phải cho bà dì Tamaki xuất hiện, kẻo phim thiếu ý nghĩa giáo dục, cảnh báo. Nhân vật chính cần phải di chuyển mà đi mãi bằng phương tiện công cộng hay nhờ người lạ mặt thì không thực tế, ta liền thêm một người quen của nhân vật nam vào làm nhiệm vụ tài xế.

  • Thay vì chấp nhận và chơi với những khoảng mờ tình cảm không thể và không nhất thiết phải định danh, Shinkai Makoto lại chọn cách khẳng định (cho khán giả yên tâm) về quan hệ của các nhân vật. Điển hình như đoạn thoại của Suzume với ông nội của Souta, khi cô thừa nhận không sẵn sàng, không thể chấp nhận một thế giới không có Souta. Đây là một chi tiết đẩy tình cảm đi quá khỏi phạm vi mà nó đang thực sự thể hiện. Thực ra, với những gì hai người cũng trải qua, những chia sẻ chuyện riêng tư với một người lạ mặt trong hình hài một cái ghế về người mẹ đã khuất đã tạo thành sợi dây liên kết thân thiết giữa họ. Suzume có thể và hoàn toàn hợp lý khi giữ vững mong mỏi không lay chuyển về việc phải cứu Souta, mà không cần gọi tên thôi thúc đó là tình yêu. Người ta không nhất thiết phải rạch ròi thẳng thừng đến thế. Cảm giác muốn cứu, cảm giác đau lòng ấy trong bối cảnh phim đã đủ thuyết phục rồi. Shinkai Makoto có thể dừng lại như vậy và để tình cảm của đôi nam nữ tiếp tục phát triển theo hướng chờ đợi, hy vọng ở đoạn Souta lên tàu về Tokyo, hứa gặp lại rồi sẽ bùng nổ ở đoạn kết khi họ thực sự hội ngộ và bắt đầu một cái gì đó chính thức với nhau.

 .

Với câu chuyện lãng mạn thể hiện dưới hình thức phiêu lưu gay cấn, điểm yếu căn bản chỉ là sự đáng tiếc nho nhỏ mà thôi. Có thể Shinkai Makoto đang thử kể một câu chuyện có hậu rõ ràng nên còn nhiều chuệch choạc, nhưng khán giả hoàn toàn có cơ sở để hy vọng vào những khắc phục và phát triển trong tương lai. Bỏ qua phát triển còn yếu ở một vài pha tình cảm khiến phim chưa có cảm giác sâu sắc, suy tư, Suzume giữ vững, thậm chí là nâng cao hơn quan điểm thẩm mỹ của tác giả về phần nghe, nhìn. Đó là ưu điểm nổi trội, trực quan nhất của tác phẩm này. Nhạc phim không những hay mà còn được đặt vào đúng chỗ, phối hợp nhuần nhuyễn với tình huống phim, diễn họa trên màn ảnh và diễn xuất của diễn viên lồng tiếng. 10 phút đầu của tác phẩm thực sự rất xuất sắc khi có thể đánh bật cảm giác quen nhàm, ai cũng biết rõ đường bước nơi khán giả. Mở bài khôn khéo khiến họ choáng ngợp và nhập tâm ngay vào tình huống gay cấn, linh thiêng khi Souta tiến hành nghi lễ khóa cửa lần đầu tiên. Để nói về việc sử dụng nhạc nền trong bộ phim này, tán thưởng, trầm trồ, hòa mình vào tổng thể tác phẩm là điều hiển nhiên, thêm vào đó tôi không thể ngăn mình nghĩ tổ phụ trách âm thanh của Suzume là những người cực kì khôn ngoan. Họ đã biến hóa nhạc nền trở thành công cụ sinh động, trở thành một yếu tố không thể tách rời, để làm cả tác phẩm vận hành trơn tru, mềm dẻo, linh hoạt và đầy sinh khí. Đấy chính là một trong các lý do khiến motif phim ảnh cũ kĩ đến nhường ấy lại trở nên mởi mẻ, dễ tiếp nhận, dễ đi vào lòng người đến vậy.

.

Có một vài người nói thật đáng tiếc khi ca khúc chủ đề vốn đã làm mưa làm gió trước khi khi phim ra rạp nhưng lại không xuất hiện nhiều trong tác phẩm. Tôi lại nghĩ khác. Ca khúc đó đã được đưa vào đầy khéo léo và đắt giá. Sau 10 phút đầu kịch tính, hoành tráng, việc chọn chỉ để rơi một vài giọt âm thanh quan trọng nhất của giai điệu chủ đề là đủ cho một cảm giác trong vắt thần thánh và đầy đặn cảm xúc. Và khi câu chuyện hoàn chỉnh, ca khúc đó mới vang lên như một ending song để làm trọn vẹn cái kết đầy ngọt ngào. Đó là cách tổng kết bằng âm thanh cực kì tinh tế, không để phí, để thừa hay lạm dụng quá đà những yếu tố vốn đã đủ xuất sắc.

.

Nghe nhìn luôn là thế mạnh vượt trội của Shinkai Makoto, nhưng với tôi, thứ khiến tôi yêu thích các câu chuyện của ông nằm ở những nhân vật bình thường, những câu chuyện đời thường bỗng nhiên thành phi thường. Suzume là nhân vật chính dễ mến kể cả khi khán giả xem phim có già đầu hơn cô nàng. Nhân vật này chạm đến và gây được sự đồng cảm với những người có vấn đề nhưng lại không để vấn đề đó cản trở cuộc sống hàng ngày. Loại nhân vật như vậy tính ra cũng khá lạ, khác với những người ai cũng biết có nỗi đau (che giấu), hay những người đã vượt qua được chuyện bất hạnh đầy dũng cảm và oanh liệt. Suzume có một cuộc sống ổn dù mồ côi, nên có gặp Souta hay không thì tôi vẫn nghĩ cuộc đời của cô gái ấy sẽ vẫn tốt thôi. Sự ra đi của người mẹ, cảm giác bị bỏ lại, nỗi băn khoăn liệu mình có phải là gánh nặng của dì, tại sao mình lại bị chọn để có một số phận đau đớn như vậy vẫn luôn tồn tại. Kể cả khi vết thương không được chữa lành bằng bất kì một liệu pháp nào, chỉ đơn giản tự đóng vẩy, lên da non và dịu đi theo năm tháng cùng sự trưởng thành, kể cả khi nó hiện hữu lù lù ra đó không cần giấu diếm, Suzume vẫn sống được, sống vui. Cô có cuộc sống tươi vui chen cài những băn khoăn tuổi mới lớn nào cũng có, thế thôi. Chỉ có người ngoài mới thấy sự hiện diện của mất mát trong cuộc đời Suzume là đáng thương, khó chịu. Nhưng từ phía cô, có lẽ mọi chuyện không tệ đến vậy. Đó là một sự chấp nhận vô tư, thẳng thắn khiếm khuyết không thể sửa chữa được trong quá khứ của mỗi người, một dạng sống chung với lũ mà không phàn nàn, oán trách hay kháng cự.

.

Ở phân cảnh cuối cùng ở thế giới Vĩnh hằng, nơi các dòng thời gian cùng đồng hiện, cô bé Suzume xuất hiện trở lại, là tiếng vọng của đau khổ, của thắc mắc đau đớn đã từng đóng đinh lên quá khứ của nhân vật chính. Nhưng đó không phải là dằn vặt, không phải nỗi ám ảnh bị che đậy, hay vết thương rỉ máu dai dẳng đến mức phải đi một quãng đường xa như thế, phải phiêu lưu như thế thì giờ Suzume mới có lời đáp để chữa trị cho bản thân mình. Nhìn cách cô gái đó chủ động, vô tư dấn thân vào cuộc hành trình dọc nước Nhật, tôi nhận ra động lực chủ chốt của nữ chính đến từ mong muốn giúp Souta mà thôi. Gần như không thấy những vết tích đáng kể của gánh nặng quá khứ đè nặng lên cô gái luôn tràn đầy năng lượng, hoạt bát, bao đồng và suy nghĩ rất đơn giản (thậm chí là ngốc) ấy. Dư cảnh của quá khứ chỉ là một chút đánh động tâm hồn, là thêm một lý do để Suzume đồng hành cùng Souta. Đây là một tình huống phụ, vô tình dẫn đến cơ hội để Suzume kiểm tra lại bản thân, đồng thời xem xét lại vấn đề của mình lần cuối, khi cô đã lại trưởng thành thêm một chút.

.

Có một chi tiết khác tôi rất thích trong cách xây dựng Suzume, khiến cô trở thành mẫu nhân khác biệt nhất định với những gì đã từng được đưa lên màn ảnh. Suzume từng tô đen hết trang này đến trang khác trong cuốn nhật ký sau khi mẹ mất, điều đến chính cô cũng quên đi, đến mức ngạc nhiên bởi mình từng như thế. Cuộc gặp gỡ trong giao cắt thực tại – quá khứ – tương lai ở Vĩnh hằng, giữa Suzume nhỏ và lớn dần trở nên mờ ảo, mơ hồ với chính cô dù là bản thể ở bất kì thời điểm nào không phải là sự quên đi của ma thuật. Sự nhòe mờ, lãng quên nơi cô gái ấy không hề có màu sắc thần bí, cũng không phải vì nhân vật chính không nhớ thì câu chuyện mới có tình huống cài cắm, khúc ngoặt, thắt nút, cởi nút. Sự quên đi rất con trẻ ấy cho thấy vết thương của Suzume đã tự khép miệng, nhờ chính cô và cũng nhờ thế giới bao bọc xung quanh.

.

Nhưng quên đi, cất gọn quá khứ sang một bên ở một thiếu nữ không thể dứt khoát như người trưởng thành, nó vẫn cần để lại dư âm, vẫn hiển nhiên để lại trống vắng vì mất mẹ. Tình huống trên đu quay là khoảnh khắc quá khứ đau buồn nhất được gợi lại sống động, nhưng Suzume không hề rơi vào trầm tư, sầu khổ, tiếc nuối như phản ứng của những nhân vật khác ở trong hoàn cảnh tương đồng. Với cô, đó chỉ là một câu chuyện đã qua, một câu chuyện để kể và dễ dàng chia sẻ với cái ghế Souta. Điều đó có nghĩa là gì? Là thứ từng là vấn đề thống khổ, tàn nhẫn đã không còn là vấn đề nữa, đến mức chính người trong cuộc còn không nhận ra mình đã làm thế nào. Việc Suzume có thể hình dung được âm thanh hạnh phúc của cuộc sống thường ngày dù cô không phải bế sĩ là minh chứng khác cho việc lạc quan, đủ đầy sớm đã chiến thắng mất mát trong cô rồi. Dù sứt sẹo, dù bản thân có là nạn nhân trực tiếp của thiên tai, nhưng cô vẫn nghe, vẫn tiếp nhận, vẫn sống hoàn toàn trong sự phục hồi mà dòng chảy của thời gian mang lại, bởi cô đã để thời gian làm công việc của nó: mang tới sự thay đổi, cơ hội và tái sinh.

.

Ở khoảnh khắc cuối, Suzume không thể trấn an hay hồi đáp rành mạch câu hỏi hồi nhỏ bằng lý lẽ. Đương nhiên rồi, sao có thể giải thích, chữa lành rồi an ủi một đứa bé mất mẹ bằng việc thuyết giảng như thế nào là chết đi, như thế nào hy vọng, hay hứa hẹn sẽ còn những điều ấm áp khác sẽ đến. Rơi đến tận đáy của bi kịch, chẳng ai, nhất là một đứa trẻ, có thể nghe ra những lý lẽ dù đúng nhưng rất ngoại tại đó. Nỗi đau bên trong lớn hơn và đã nuốt chửng người ta rồi. Tôi vẫn hay nghĩ rằng thứ gọi là chữa lành tâm hồn không giống như những thủ thuật y khoa, là đòi hỏi phải làm một cái gì đó để nghĩ thông. Thông suốt là cả một quá trình mà bắt đầu không phải là hiểu, lĩnh hội, khai sáng hay yên ổn. Khởi đầu của nó cứ là một đống bừa bộn, đổ nát hoang tàn đi.

.

Cách Suzume đối thoại với mình lúc nhỏ chính là tổng kết cho cuộc hành trình tuổi thơ của cô. Suzume đã nói trong sự nhận ra nghẹn ngào, trong sự yên tâm chắc chắn rằng: cô ổn, cô đã ổn rồi, đang ổn rồi, cô là ngày mai tươi đẹp của cô bé đau khổ khi xưa. Nó giống như tiếng thở phào. Nó giống như giọt nước mắt cảm động vỡ òa khi người ta cứ mải miết, cắm cúi đi từ sinh tồn đến sống, sống tiếp về sau. Một lúc nào đó đột nhiên ngoảnh lại, nỗi đau tưởng chừng không thể nào vượt qua nay đã trở thành quá khứ sau lưng. Khoảnh khắc đó, người ta nức nở vì biết mình còn sống, vì đã tốt đẹp và được nhận tốt đẹp nhiều đến từng nào. Cảm ơn biết mấy khi thời gian vẫn trôi, và thực tại chứng minh hạnh phúc nhiều hơn đau khổ. Thứ cần ở một số trường hợp không phải là nghị lực để đối đầu, cũng không phải sự thông tuệ để nhìn vượt qua nỗi đau hiện hữu, cũng không phải là sự tin tưởng lẫn hy vọng bền bỉ. Chỉ cần sống qua ngày tuyệt vọng này hẵng, chỉ cần thế thôi. Trao cho chính mình cái ghế ba chân, Suzume trao đi điểm neo hạnh phúc để chính mình cắn răng đi qua thời khắc bi ai ấy. Đi qua được, chờ đợi được, đón cô là dì Tamaki, là cuộc sống được dì yêu thương, là những người cô yêu quý và yêu quý cô đang đến. Đó chính là sự kì diệu của thời gian mà thường phải sống sót rồi nhìn lại, người ta mới thấy điều mình được sau những gì mình đã mất. Thời gian rất đột ngột, tàn nhẫn khi chấm dứt sinh mạng của ai đó mà không mảy may động lòng. Nhưng nó cũng mang lại những điều mà người ta chỉ có thể nhận được bằng cách đơn giản: chờ đợi, dám chờ đợi cùng với vết thương hãy còn chảy máu, bằng một trái tim đừng bao giờ khóa trái trong nghiệt ngã, tuyệt vọng.

.

Một bộ phim xoay quanh chỉ một nhân vật chính là Suzume nên nói xong về cô thì gần như không còn gì để phải dài dòng nữa. Tôi sẽ ngoài lề thêm một chút trước khi kết thúc bằng hai nhân vật cũng rất nổi bật khác: con mèo Daijin ngang ngược và Souta – chàng trai có ngoại hình như Howl cùng giọng nói được các chị em gật gù tán đồng: nghe cái biết đẹp trai (mà của đáng tội Hokuta nhà-chúng-tôi đúng là quốc bảo nhan sắc của Nhật Bản thật).

.

Daijin là nhân vật bất ngờ nhất trong cả Suzume. Nó không phải nhân vật phản diện mà chỉ là một đứa nhóc tùy hứng, tùy tiện và buồn chán đến mức tha thiết muốn được yêu thương. Shinkai đã đúng rồi. Đúng ở việc phim có mèo là auto đúng và hot. Đúng ở việc mèo là thứ sinh vật chưa từng quên chúng nó là thần, theo mọi nghĩa của từ này. Shinkai đã mang đến một vị thần quyền lực có thể phong ấn một nửa con giun đất, dù chân thân chỉ là một con mèo con chứ không bá đạo như bà cụ thân sinh. Nhưng thần thì không giống người, không thể tiên liệu được hành động, càng không thể lĩnh hội được lý lẽ và dứt khoát không thể trói buộc bằng trách nhiệm. Ý tưởng “muốn chơi với Suzume” mặc kệ nhân tình thế thái là cách quay về những ý niệm ban sơ và gần nhất với thánh thần – những người chẳng có giao ước gì với con người, những người sống cho họ và tuân theo ý chí của riếng họ mà thôi. Tạo hình dễ thương kết hợp cùng giọng lồng tiếng cân bằng tài tình giữa đáng yêu và láo lếu, luôn ở trong tâm thế chọc tức làm người ta vừa thích, vừa phiền rồi lại vừa thương thật thương cái con vật quái quỷ ấy.

.

Về Souta, tôi không đòi hỏi nhiều ở một nhân vật không phải nam chính. Anh ấy chỉ là người mang tình huống đến cho nhân vật nữ phiêu lưu mà thôi. Vậy nên không nhất thiết phải có một profile đầy đủ, hay một sự phát triển song song 2 tuyến nhân vật ở Suzume như ở trong Your Name. Souta nhạt, trừ lúc thật ngầu khi khóa cửa, anh là nhân vật thường thường, thậm chí có thể bị cho là mờ nhạt. Nhưng đây không phải do tác giả xây dựng không kĩ mà đơn giản vì Souta bản chất là người chẳng có vị gì trừ mặt đẹp. Một chàng trai luôn ở trong khuôn khổ, kỷ luật nên dù có tình cảm vẫn thấy xa cách với người thân. Anh tận tụy với công việc bế sĩ gia truyền, tự thu vén cuộc sống tốt vì khá giàu có, có thể vừa đi học, sắp tới sẽ trở thành giảng viên nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đóng cửa của mình. Có một cảnh tôi rất thích, đó là khi Souta ngồi một mình, gục đầu xuống trong phòng của Suzume sau khi bị cô bé tha lôi về nhà cho bằng được để băng bó, sơ cứu. Một cảnh đó cùng cảnh linh hồn của anh bị kéo xuống rồi hóa đá ở Vĩnh hằng đã khắc họa được chàng trai này có những cô đơn, buồn bã nhất định sau vẻ ấm áp, lịch sự, dễ gần thể hiện ra bên ngoài. Không cần phải nói quá nhiều, chừng đó thể hiện được anh sinh viên này đã đơn độc trong những bí mật của mình lâu như thế nào. Gặp một người có thể cùng chia sẻ thế giới phép thuật đó, lại rất nhiệt tình, vô tư, con người vô vị kia nảy sinh cảm giác muốn gần gũi, bảo vệ là rất tự nhiên.

.

Hơn nữa, nếu Souta không biến thành cái ghế, cuôc phiêu lưu của họ sẽ rất nhạt nhẽo và khép kín trong những tương tác xã giao xa cách. Khi không còn ở trong hình dạng con người, cả anh lẫn Suzume đều dễ dàng bộc lộ bản thân cho đối phương thấy. Sự chuyển đổi hình dáng đó là cách rất khéo để nữ chính nắm thế chủ động nhưng không thô bạo và cưỡng ép đè bẹp nhân vật nam vốn là người vượt trội về cả thể chất lẫn kiến thức. Ngoài ra, việc không chia cho cái ghế/Souta quá nhiều đất diễn đòi hỏi người lồng tiếng phải tận dụng tối đa mỗi lần xuất hiện để nhân vật có thể thể hiện mình. Tôi khá là bất ngờ vì Hokuto đã đạt được những thành công nhất định với vai trò diễn viên, nhưng lần đầu tiên làm một seiyuu thì rất khác. Cậu ấy đã đầu tư tỉ mỉ cho vai diễn này để mang đến cho nhân vật nội tâm, cá tính sắc nét trong chính thiết lập vốn là vô vị. Tôi thích và đánh giá cao cách Hokuto chuyển đổi cách đọc thoại để biến đổi nhân vật Souta từ một người lịch sự, khuôn phép nhưng luôn có khoảng cách, một kẻ không thích dính líu đến người thường sang một bế sĩ có mùi của thần, rồi sang một cái ghế với sự rung động, cởi mở hơn khi buộc phải phụ thuộc vào một cô nữ sinh. Trong giọng nói của nhân vật Souta, sinh khí, cảm giác con người từng chút một được nhen lên rõ rệt, vượt qua những ấn định khuôn khổ, vô cảm từ trước, để từ một người lạ mặt tử tế thành một người đồng hành đáng lưu luyến.

.

Sau rốt, tại sao cái ghế lại là cái ghế ba chân.

.

Cái ghế đã từng hoàn chỉnh nhưng không ai biết cụ thể ở đâu, lúc nào, tại sao nó chỉ còn ba chân, hay cái chân kia thất lạc ở đâu, có thể sửa được không. Thực ra không cần phải biết tường tận đến vậy. Một cái ghế khiếm khiếp là hình ảnh cho chính Suzume, cho những mất mát không thể phục hồi. Nhưng dẫu vậy thì sao chứ? Cái ghế vẫn thực hiện tốt chức năng của mình khi hết người này đến người kia ngồi lên nó, đứng lên nó. Nó vẫn lưu giữ vẹn nguyên kỷ niệm lần tình cảm của hai mẹ con Suzume dành cho nhau, mặc cho biến cố, sống chết phân chia đã xảy ra. Cái ghế cũng thật là linh hoạt cử động khi bị/được linh hồn Souta nhập vào nữa. Nó chẳng có vẻ gì là một vật bỏ đi hay đáng thương, cũng y như cô chủ lạc quan, nhiệt huyết của nó vậy. Trao đi cái ghế “tật nguyền” cho chính mình trong quá khứ là sự khẳng định tình yêu còn mãi. Nhưng ở một tầm cao hơn, đó là cử chỉ thể hiện sự thừa nhận bản thân mình dẫu có sứt mẻ vẫn rất ổn, vẫn rất tươi vui. Và rằng, hạnh phúc có rất nhiều hình dạng, miễn là ta chấp nhận nó trong chính hình hài chừng như tội nghiệp. Chỉ có bản thân ta mới là người có quyền cao nhất trong việc lựa chọn đón nhận, cảm nhận những thứ đến với mình là đau khổ hay hạnh phúc, cản trở hay vết sẹo đã lành. Lựa chọn đối diện theo cách nào sẽ trở thành chiếc chìa khóa để đóng lại bất hạnh, mở ra hy vọng, hoặc ngược lại, tùy theo sự tự nhận định của mỗi con người.

Bình luận về bài viết này