[Essentiel] 22


22. Mưa (3)

.

.

– … Gọi chỉ vì thế thôi? Thế thì hết rồi đấy, gác máy đi ngủ đi.

Câu chữ tỉnh bơ vang sát bên tai chặn đứng luồng hô hấp. Cắn nhẹ môi, Thái Anh vòng một tay ôm lấy hai chân mình. Cơ thể dường như vì thế mà co bé thêm một chút. Chiếc ống nghe lơi lỏng giữa mấy ngón tay, cô ngập ngừng lên tiếng khi tựa trán lên hai đầu gối:

– Tôi…

– Đợi tí!

Khúc khích ém lại trong cổ họng, ẩn sau mấy lời thì thào. Dép loẹt quẹt. Cánh cửa gỗ cố gắng đóng lại thật khẽ mà vẫn rền rĩ một tràng, nối liền tiếng kim loại xoay mở thử gì. Trời không nổi gió lớn nhưng qua ngần ấy khoảng cách vẫn nghe rõ xào xạo lẫn cùng tiếng vỗ tạch tạch của bao nhiêu giọt nước rơi nghiêng, đẫm trên mặt kính. Cau mày trước tiếng xuýt xoa không vì va phải chân bài thì do ngọn nến suýt tắt, Thái Anh thở dài. Dẫu rằng, cồn cào vô cớ đã thoái lui như nước triều khi cô biết Trang Hạ lại chui vào phòng kho.

– Sao không? Để nến thế nào cho cháy nhà thì làm.

– Yên tâm!… Di động sao lại ở đây? Cả chiều tôi có vào kho đâu?

Quơ tay gạt quần áo mắc trên giá dạt về một phía, để không gấu váy, gấu áo hay thắt lưng lòng thòng nào có thể bén phải ngọn nến đặt trên sàn, Trang Hạ khép hờ cánh cửa sổ chính mình vừa mở ra cho không khí lưu chuyển. Thả người vào thùng các-tông, nụ cười nở toét khi cô nàng ngọ nguậy, lún sâu vào những hạt xốp trắng như tuyết.

– Thấy đồn sang năm khó tổ chức tiếp ACCtive expo. Nana đang đi nghe ngóng tình hình. Sợ nhất là quản trị ACC không còn đủ lực để tiếp tục. – Cố vươn cẳng chân chạm đến bờ tường bên kia nhưng bất thành, cô gái xìu người, thở dài – Chán nhỉ. Đang ngon lành, giờ mà dừng thì sợ khó bắt đầu lại.

– Quản trị của ACC mạnh thật, chịu chi, biết chi. Lo chu đáo một chỗ đã mệt lắm rồi, năm nay còn dám tổ chức ACCtive expo ở cả Sài Gòn và Hà Nội. Có người chê trung tâm triển lãm Vân Hồ nhỏ quá nhưng với kế hoạch như thế, vừa vừa như vậy là ổn. Lớn hơn Kim Đồng’s Summer Night tổ chức ở Cung là biết có đầu tư… Làm sự kiện kiểu tư nhân tự phát thế này ngoài vốn tự thân phải dựa nhiều vào tài trợ, quen biết phải rộng mới xin được giấy phép. Nếu không có hẳn một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm thì hội nhóm tổ chức được năm nào biết năm đó thôi… Chẳng biết thu về ổn không, nhưng tôi tiền cho thuê mặt bằng mở gian hàng khó lãi được nhiều. Shop chuyên bán đồ cho otaku chưa phổ biến đến thế. Cả Hà Nội được mấy chỗ đâu.

– Chíp còn đang bảo sau này làm sao để gian hàng thì mở mà vẫn được mặc đồ cosplay đi trẩy hội kia kìa. Tôi thấy nhân viên vẽ mặt xinh tươi, quần áo xúng xính có khi lại đắt hàng. – Nụ cười cuốn theo những điều tưởng tượng nhạt đi khi cái cổ ngửa ra sau. Nhìn trần nhà loang tròn một bóng sáng mờ nhờ ánh nến, Trang Hạ grừ grừ như mèo, méo xẹo mặt mũi – Phụ thuộc thế này phiền thật đấy!

– Giờ mới ngộ ra?

– Không phải chuyện may đồ, bán hàng. Tôi không muốn giới hạn chuyện mặc đồ cosplay chỉ để đi fes. Hoàn toàn có thể tự chụp ảnh theo từng project mà. Nhưng phải chịu khó đi lùng background cho hợp với truyện. Đi fes vui vui thế thôi chứ ảnh đấy chỉ để làm kỷ niệm. Sao không thử chuyên nghiệp như các cosplayer nước ngoài? Ảnh cô với Gà chụp rất đẹp còn gì. Bọn mình có thể làm theo kiểu đó, chứ không phải tự sướng vài cái lúc đi fes. Lại còn bằng máy ảnh du lịch.

Đầu dần ngẩng lên khi nghe đến thứ kế hoạch có đầy hoang đường ấy. Thái Anh nghĩ ngay tới một khía cạnh gần gũi hơn, thiết thực hơn sau khi đã gạt sang bên sự bất tiện mà bất kì người bình thường nào cũng sẽ e ngại. Mang những bộ mặt như diễn tuồng, diện những bộ quần áo không giống ai xuất hiện ở chốn công cộng mà không hề được vây quanh bởi những người giống mình, hay đặt trong vòng văn hóa rõ ràng của một hoạt động tập thể nào đấy – tất cả hội tụ thành thứ hiển nhiên đến mức làm bất kì ai cũng rùng mình.

– Nhưng cách chụp của tôi khác. Chụp đồ lolita để bàn hàng còn dễ chứ…

– Thì học. Tôi không nói cô phải đổi phong cách. Học thêm thôi, biết đâu sẽ tìm ra cái gì mới. Tôi muốn thành thạo cả photoshop nữa. Không cần lên trình pro như mấy ông thiết kế đồ họa. Đủ để chỉnh ảnh, bóp chỗ nọ, kéo chỗ kia là ok rồi. Làm như cô xem ít ảnh của các cosplayer Nhật với Trung ấy. Chả có thời gian thích Congtian và Huangshang[1] còn gì? Ai mê Saya[2]-san như điếu đổ? Ai khen Saya ngọt ngào, cười một cái là yêu luôn?

Cọ mũi lên vải áo, mi mắt Thái Anh hạ xuống sau nửa gương mặt giấu sau cánh tay. Giọng nói líu lo kia cứ bắn tằng tằng bên tai, chẳng có vẻ gì là quan tâm dù thấy đầu dây bên này, mình không thèm ậm ừ để ra dấu vẫn đang theo dõi.

– Nhắc bà Congtian… Tôi chết mê chết mệt bộ ảnh bả chụp xxxHolic. Không tìm đâu một Ichihara Yuuko chuẩn hơn nữa. Đợt các bà ấy chụp Pet shop of Horrors thì đỉnh rồi, tỉ mỉ đến từng mi-li-mét. Xem ảnh mà muốn cũng làm được như thế. Ở Việt Nam không có studio chuyên nghiệp, tài chính của bọn mình cũng hẻo nhưng hoàn toàn có thể thử được. Làm vài project shoujo nhẹ nhàng, bối cảnh trường học đã.

Bàn chân sục vào chỗ hạt xốp, xúc lên một nắm làm nó rơi vung vãi xung quanh. Cô nàng đểnh đoảng kêu oai oái rồi nhổm hẳn người dậy, quên phứt việc còn rất nhiều những hạt xốp khác dính trên tóc và quần áo sẽ thi nhau rơi xuống.

– Lại làm sao? – Thái Anh uể oải hỏi, dù đoán chắc đến chín phần mười đứa con gái kia lại gây ra một chuyện ngu ngốc nào đó – Bỏ đấy, mai lấy chổi quét… Mà thôi, cô hay quên lắm nên nhặt luôn đi. Vừa nhặt vừa khóc có khi ông Bụt hiện lên đấy.

– Đồ độc ác! – Hậm hực mếu máo, cô gái rũ rũ tóc kiểm tra thêm lượt nữa rồi mới thu lu, nhặt nhạnh từng hạt xốp bỏ vào thùng – Hy vọng ACCtive expo không bị hủy. Tôi nhắm cho Trang vài char khá hợp rồi nên muốn chụp cho con bé, muốn nó được đi chơi với nhà mình. Học cấp ba thì khó, chứ thi đại học xong thì tha hồ.

Đầu ngón tay vẽ loằng ngoằng mấy đường trên mặt sàn, cắt qua những mảng nâu vàng, lam tím đan xen dưới ánh nến lay động theo chiều gió chốc chốc lại nổi lên. Bờ môi dưới chạm vào đầu gối khi cô ngập ngừng:

– Trang đưa cho tôi tập bản thảo của con bé tuần trước. Lâu lắm mới thấy nhiều chữ viết tay thế, dán cả mấy hình minh họa xinh xinh tự vẽ nữa. Chả hiểu sao còn phải dặn đi dặn lại em viết chơi chơi, sis thấy chán thì không cần đọc nữa. Tôi khá thích cách viết của con bé. Nội dung đã đành, ý tôi là cách con bé nhìn mọi thứ ấy.

– Bản năng, tự nhiên và thành thực. Đánh máy thì chỉnh sửa câu chữ, bố cục rất dễ. – Thái Anh quờ tay kia lôi ra một quyển sổ lớn có dán nhãn đề số tập, ngày tháng bắt đầu đè cả lên bìa in sẵn hình đàn cá đủ màu bơi qua. Lật ngẫu nhiên một trang, màu sáng trắng của ánh đèn nhà hàng xóm như mảng sương bảng lảng, vật vờ trên những dòng viết rất nhanh nhưng không cẩu thả – Nhưng Trang viết thẳng, có vẻ không suy nghĩ quá nhiều trước khi bắt đầu. Theo lối viết đó mà ít mắc lỗi dùng từ, cứ để mọi thứ tuôn ra gần như không cần kiểm soát là khá ẩn tượng đấy… Cô… nhận ra vấn đề rồi?

– Ừ thì… – Chẹp miệng một cái, Trang Hạ gục mặt xuống đầu gối, mở mắt nhìn thế giới xoay nghiêng một góc chín mươi độ – Lúc trước chỉ lờ mờ đoán thôi… Tôi cứ có cảm giác con bé không kịp để cho ai buồn thay nó ấy! Thôi, tạm gác lại đã. Không nói mấy chuyện kiểu này nữaaaaaaa!

Hình ảnh cô gái kia nhắm tịt mắt, lắc đầu quầy quậy rồi tự lấy hai đuôi tóc dài tự thít quanh cổ hiện ra sống động như một lẽ hiển nhiên. Thái Anh bật cười. Chạm phải lúm đồng tiền trên má, lại thêm ánh mắt phán xét đầy khinh thường của con Dưa không biết chui ra từ xó nào mà giờ nằm ệch lên đống giấy tờ trước mặt, hai điều ấy hợp lại tạo thành sức ép vô hình của hiện thực, nhắc nhở cô vẫn đang ở trong phòng, một mình. Môi mím dứt khoát, nửa thân trên vươn lên cho đỡ mỏi cùng lúc với chủ đề khác được mở ra.

– Mẹ cô có mua bán gì không? Đã dặn bà Hoa là không phải tích trữ gì cho khổ, chợ ngay gần nhà, thiếu thốn đâu. Miệng thì dân tình phản ứng thái quá, nhưng sáng ra đã gọi người mang đến một yến gạo Điện Biên rồi.

– Bà Hương bị ngã, chắc đâm phải cái ổ gà chỗ rẽ vào ngõ. May không trẹo chân, bong gân. Chỉ bầm tím với xây xước thôi nhưng bố tôi không cho ra khỏi nhà. Ông Quang cũng vừa lén xách về hai cây bắp cải và hai thùng mì… Nhà cô không ngập úng gì nhỉ?

– Ừ, không ngập nhưng trường học bên dưới nghỉ mấy hôm này rồi.

– Trên phố có khác, tắc đường còn hiếm nữa là lụt với chả lội. Bố tôi cứ khen mãi quy hoạch đô thị rồi hệ thống thoát nước của người Pháp làm ở khu trên đấy. – Mắt nheo nhìn ra ngoài nhưng chỉ thấy nến với đèn dầu leo lét thay vì những điểm sáng lớn bé nối nhau, chi chít giữa trời đêm, Trang Hạ sực nhớ ra chuyện khác quan trọng hơn – Bố tối bảo thành phố đang sợ vỡ đê, bộ đội được huy động đến mấy điểm xung yếu rồi. Ông Dũng nhà cô…

– Chắc công binh lo. Bố tôi bên tăng, chẳng đến lượt đâu. Mẹ tôi còn bảo sống với nhau ngần ấy năm, đợi mãi không thấy ông Dũng được tham gia vào sự kiện lớn lao gì của đất nước. Thế mà lúc nào cũng giấu giấu diếm diếm, thỉnh thoảng lại đi đêm về hôm vì có việc khẩn. Xe tăng tuột xích phải chạy đi thay, có gì mà phải bí mật.

Cười rũ ra, một phần vì cách Thái Anh nhại lại giọng, một phần vì Trang Hạ rất quen với cách nói chuyện của chú Dũng với cô Hoa. Đâu thể ngừng bò ra cười mỗi lần nhớ đến gương mặt bừng bừng kiêu hãnh của bố cô bạn khi thao thao nói về huy chương hội diễn văn nghệ ở đơn vị. Phải cái chưa kịp khoe cụ thể, bà vợ đã chú thích thêm vào: “Chú Dũng chỉ có hai bài tủ, một là Năm anh em trên một chiếc xe tăng, hai là Giải phóng Điện Biên. Hát ru Thái Anh suốt mà không chuyên nghiệp mới lạ. Huy chương vàng còn hơi khiêm tốn”.

– Giờ mà được ở trên phố thì… Tôi thích nhìn phố cổ từ cửa sổ phòng cô lắm. – Giọng nói vang lên gần bằng tiếng thì thầm, mái đầu hơi cúi làm một lọn tóc rũ xuống che đi đôi mắt vừa hơi khép hàng mi. Đổi điện thoại sang bên kia vì một bên vành tai đã ửng đỏ, ống nghe cũng nóng ấm lên, Trang Hạ nhếch môi – Lâu lắm mới buôn điện thoại thế này nhỉ?

– Ừ. Từ hồi lắp internet rồi dùng di động thì không nấu cháo kiểu này nữa. – Xòe tay ra để con mèo nhỏ dụi vào, mấy ngón tay thon gại quanh cái cổ đã gần mất dấu trong đống mỡ nhèo nhẽo – Nhớ mấy lần tôi với cô buôn dưa đến bốn năm tiếng đồng hồ không? Mẹ tôi gọi về kiểm tra không được, lo sốt vó cả lên. Hồi ấy nói cái gì mà nhiều thế không biết!

– Phải hỏi là sao cô có thể ngồi nghe tôi nói toàn chuyện ngu xuẩn lâu như vậy mới đúng. Thông minh như bạn Thái Anh chỉ nên nói mấy cái vấn đề bác học thôi. Đi ngủ đi. Quên, nhà cô có điện mà. Sướng thế. Tôi đi ngủ cho hết ngày đây, chán mớ đời. Hút thuốc ít thôi đấy!

Định trợn mắt lên đáp trả dù cái gạt tàn trước mặt đã có đến ba, bốn đầu lọc bị dụi mạnh đến cong queo, bờ môi mới hé ra đã ngậm lại, giữ hết ngôn từ thành mấy lời ậm ừ vô nghĩa.

– Yêu!

Sát kề bên tai, đơn âm ấy vang lên tựa ngọn gió lướt vụt qua đầu phiến lá.

Đang sướng rơn vì được gãi nựng, cưng chiều, hai cái tai con mèo đột nhiên động cựa. Một bên mắt mở hé ra hơi phật lòng vì những ngón tay không còn nhiệt tình vần vò từ cổ lên đỉnh đầu nữa. Hé miệng gặm gặm, nhấm nhấm ngón tay thay lời nhắc nhở mà chẳng ăn thua, Dưa định cắn bà mẹ trẻ một phát, nhưng rồi chỉ đành xị mặt. Thân hình núc ních quay vào tường, đuôi cũng kẹp giữa hai chân chứ không thèm phe phẩy như mọi bận. Sự thay đổi tâm trạng chóng vánh của con người thật phiền phức. Cần thì nựng nịu bằng đủ thứ ngon ngọt, lúc lại… Và loài mèo, với tất cả sự tự trọng của mình, tuyệt đối không thể thấp kém như lũ chó, để lúc nào cũng sấn sổ, vồ vập trong mọi hoàn cảnh. Chúng cần duy trì khoảng cách lẫn phẩm giá của bản thân trước mọi sự dựa dẫm, sủng nịnh thời vụ của giống loài hai chân mong manh, yếu đuối kia.

Chân ghế nhích sang bên mà không cào lên mặt sàn, Thái Anh chợt nhận ra mình không còn tự bấu chặt lấy hai cánh tay hay ngồi thu mình trên ghế nữa. Ngửa cổ tựa lên khung cửa gỗ, đôi mắt to tròn ngước nhìn nước nhỏ xuống như tấm rèm kết bằng những hạt long lanh. Sau bức voan mưa khi thưa khi dày tùy theo khoan nhặt của trời, những ngôi nhà mái bằng, những căn xây theo lối mới đứng sát kề vài ngôi nhà cũ mái lợp ngói nung.

Nghĩ đi. Nghĩ một cái gì đó đi.

Nghĩ gì mới được đây?

So trong trí nhớ từ ngày còn thơ nhỏ, cảnh trí đã thay đổi nhiều. Cái mất mát những điều xưa cũ được lý giải bằng việc chúng không còn hợp thời, khi con người thì nhiều lên nhưng đất đai thì có hạn. Một mét đất trên phố lên giá từng ngày, cha mẹ di chúc lại thế nào cho con cái cũng khó. Bán đứt chia nhau để mỗi người dọn ra nơi rộng rãi, tiện nghi hơn là một cách. Nếu chia bôi chẳng được bao nhiêu, nhất là với những ngôi nhà ở sâu trong ngõ ít khi được giá như ở mặt tiền thì việc sửa sang, lên tầng để ngần ấy con người cùng chung sống là điều chẳng thể nào tránh nổi. Những mái tôn chìa ra thay thế cho lớp ngói cũ. Cơi nới, chắp vá chằng chịt rạch sâu vào từng viên gạch già nua, từng mảng tường run rẩy. Đổi thay của nhịp chảy trôi quá nhanh ngang qua một vùng trời quá chậm làm xô lệch đi hồi ức con người. Buồn hẳn có buồn, nhưng khó lòng để trách.

Từng ô sáng hình vuông rồi hình chữ nhật mang sắc xanh, sắc vàng, càng xa càng bé lại như những mảnh ghép. Mỗi thứ lại mang theo rất nhiều câu chuyện có bắt đầu, có xa xưa và vẫn còn tiếp diễn. Giữa biến thiên không còn được đo bằng trăm năm mà rút lại chỉ còn dăm năm, mười năm, thứ đến một người vừa chớm lớn như Thái Anh còn có thể nhận diện, điều có lẽ là duy nhất còn lại giữa bao nhiêu va chạm, vá víu là lặng yên, tư lự. Như ngẫm nghĩ. Như mơ màng. Để tất thảy phồn hoa lại bên hè phố, vùi đầu vào vắng lặng thinh không. Một buổi tinh mơ vẳng nghe tiếng gà gáy sáng, tiếng pê-đan xe đạp guồng quay. Hay tốt đẹp hơn, biết đâu lại có một tiếng dương cầm… Đó không phải hạnh phúc, càng không phải xuyến xao cùng miên man tiếc nhớ.

“Là về nhà”. Trang Hạ hay nói thế.

“Chỉ có người trong nhà mới biết điều mà người ngoài không thể thấy, cũng không để ý bao giờ. Tình yêu cần riêng tư và thật nhiều bí mật, vì người đó là độc nhất với mình. Vì gương mặt ấy phải có lòng với nhau mới có thể nhận ra. Nên đạo diễn Trần Văn Thủy mới viết…”

Hà Nội đẹp lắm, dù trong mắt mỗi người, cái đẹp ấy dường như không giống nhau[3].

Lẩm bẩm với chính mình, lồng ngực nhẹ nhõm hạ xuống cùng với nụ cười. Chưa kịp nhấm nháp dư âm thanh lành khổ công lắm mới chen qua được bao nhiêu ảm đạm, Thái Anh lại cau một bên mày. Trên bàn, di động vô cớ kêu rừ rừ rồi xoay tròn. Bên lông mày còn lại chau xuống nốt khi cô nhìn màn hình.

– Alo? Sao không gọi máy bàn?

– À…ừm… Cần nói gì nữa không? Phải còn chuyện khác nên cô mới gọi cho tôi.

Kín đáo thở ra nhè nhẹ khi thấy cách diễn đạt của bản thân vừa đủ ngây thơ, vô hại, cái lưỡi liền cuộn chặt trong miệng. Nỗ lực ấy hòng chặn cái miệng tép nhảy của Trang Hạ không thuận đường, tồng tộc phun luôn ra một ý nghĩ khác thật hơn rất nhiều. Như… mỗi lần trời mưa mà còn mang thái độ đó, chắc chắn tâm trạng của Thái Anh lại đang rất tệ. Gõ gõ lên ống nghe, cô nhăn mặt, hàm răng cắn nhẹ lên môi. Quầng sáng mù mịt tỏa quanh mẩu nến cháy khét, bốc cao một dải khói đen khi sợi bấc chưa được cắt đi. Hai năm gần đây, Thái Anh không còn thường xuyên rơi vào tình trạng giống hồi trước. Kể cả thế, đâu phải một sớm một chiều là có thể quên ngay. Nữa là, những ngày tháng đó chưa ngắn bao giờ.

– Làm gì có gì. Cô lại đang nghĩ cái gì thế?

– Thì… mấy hôm nay trời mưa. – Lời vừa nhảy ra khỏi miệng, Trang Hạ đã đập đầu mình vào tường. Tự tát lên cái miệng lanh chanh, cô thở hắt ra lật bài ngửa, khi đau đớn thừa nhận sự tinh tế chắc chắn không phải thiên phú ông trờ ban cho – Đoán thế. Gọi bằng máy bàn thì người khác có thể vô tình nghe được.

Rào rào nước đổ xuống tấm bạt che nhà hàng xóm. Thái Anh giật mình. Ngồi ghé lên bậu cửa sổ, cô hé môi vài lần rồi lại ngậm chặt. Lắc đầu, cô dứt khoát:

– Tưởng tượng linh tinh. Gác máy đi, đang gọi vào số di động đấy.

– Tôi trả tiền điện thoại là được. Tháng nào tôi chẳng trả tiền. – Đầu dây bên kia đáp trả lại ngay. Mãi hồi sau, cô nàng mới hạ giọng thêm vào – Này, thời giờ là vàng bạc. Tuy nói trả tiền… nhưng tôi đang là tầng lớp bần cùng trong xã hội đấy.

– Tôi không sao thật! – Nghiêng tai nghe mấy đứa trẻ hàng xóm chí chóe giành nhau cái điều khiển từ xa, Thái Anh tặc lưỡi – Nghe vài chuyện ở chỗ cô Nhất Chi Mai nên tự nhiên nghĩ về mình lúc trước… Thấy hơi buồn. Một chút thôi. Nhưng giờ ổn rồi, cô đừng lo.

Tiếng đóng cửa sổ kính vang lên rồi tất cả âm thanh liền im bặt. Hơi thở gấp hơn sau khi đợi thêm mấy phút nữa mà không thấy cô gái trả lời. Thái Anh hỏi lại, giọng hơi lạc đi:

– Trang Hạ?

– Nhớ cô Hồng Hà dạy cấp hai không?

Ngớ cả người vì cách bắt đầu cuộc hội thoại như thể họp lớp sau nhiều năm xa cách, Thái Anh sững lại, mặc cho cái tên vừa nhắc đã gợi ngay ra rất nhiều hình ảnh sắc nét luân phiên chạy ngang đầu. Đương nhiên không thể quên được cô giáo ấy, dù Thái Anh chắc chắn ấn tượng của cô và Trang Hạ không hề giống nhau.

Cô ấy không ghét cô Hà, nhưng lại sợ, rất sợ, sợ đến hèn hạ. Khó trách, vì cô Hà là giáo viện dạy toán số một của trường, là người hay được phân công cho dăm lớp chuyên đầu bảng. Hàng ngày, cô nhóc tóc xoăn rúm hết cả người, run rẩy xem chữ cái đầu tiên viết trên bảng là T của “tiết học”, hay là K của “kiểm tra mười lăm phút”. Đó là điều khiến người ta vừa mủi lòng, vừa buồn cười. Bởi, cô Hà có cá tính rất lạ, rất mạnh, phong cách ăn mặc lại rất đẹp, rất sang, rất Tây, nghĩa là hội tụ tất cả những yếu tố đáng nhẽ Trang Hạ sẽ thích. Ở cái thời người ta chỉ dừng mức quan tâm ở ăn no mặc ấm, một giáo viên đi làm mùa hè phối sơ mi với đủ loại váy không phải hàng may sẵn, mùa đông mặc măng-tô dạ, đi bốt da, thỉnh thoảng còn đội mũ nồi, hai tuần liên tiếp không ngày nào lên lớp mặc trùng quần áo liền ngay lập tức trở thành một điều nổi bật.

Còn với Thái Anh thì khác. Câu nói ưa thích của cô Hồng Hà khi vô tình trông thấy đứa học trò ngoài hành lang, hoặc lúc trả bài ở lớp học thêm luôn là: “Thẳng lưng lên cho đàng hoàng cô xem. Cao ráo là đẹp, xinh xắn như thế thì phải đứng thẳng cho người ta còn thấy. Đừng có như cô. Hồi bằng tuổi em, cô cao quá, cao hơn tất cả đám con trai cùng trường nên toàn bị trêu. Bị trêu nhiều thành sợ, nên cứ đi lòng khòng rồi làm lưng bị gù. Lúc phát hiện ra thì muộn rồi, không chữa được nữa”.

Lý do của bộ dạng kém hòa đồng, lúc nào cùng như gà rù kéo dài gần như suốt thời cấp hai của Thái Anh không hề như cô Hà nghĩ, nhưng thực ra chẳng hệ trọng gì. Từ chỗ miễn cưỡng thuận theo lời giáo viên vì không muốn đôi co, càng không muốn phản ứng thái quá với điều hiển nhiên không hề sai trái, chẳng biết từ lúc nào đã thành phản xạ tự nhiên mà chẳng cần suy nghĩ quá nhiều.

– Nhớ đợt cô ấy nghỉ gần hết cả kì để đi Singapor mổ ung thư ấy. Lớp sáu à?

– Lớp bảy.

– Ờ đấy, lớp nào cũng được. Hôm cô mổ, cả tổ toán trường mình phải đi xem thầy rồi cúng lễ đủ kiểu. Cô Hà cũng nghĩ khó sống, nhưng may cuối cùng mọi việc ổn thỏa đến bây giờ. Cô nói với bọn lớp tôi, qua được ải đấy thì ngộ được một việc. Sống hết thọ mệnh tối đa thì khó chứ chết trước thời hạn thì dễ lắm*… Lúc trước, Thái Anh từng như thế nào không quan trọng bằng khi phải lựa chọn cô đã chọn điều gì, cô của lúc này ra sao. Dám sống tiếp là rất mạnh mẽ rồi. Đến cô Nhất Chi Mai cũng nói sống là đày ải mà.

Trán lên tấm cửa kính, mờ mờ sát rịt tầm mắt là hình phản chiếu của chính mình rung rung vì ánh nến sau lưng đã ngả sang sắc vàng cam tù mù, ngầu đục. Chạm tay lên những đường nét hư ảo ấy, nét miệng Trang hạ hơi nhích lên ngọt ngào khi đôi mi nhắm lại.

– Thái Anh luôn nghĩ mình yếu đuối, dễ suy sụp vì những chuyện chẳng ra đâu vào đâu, không thể trở thành người can trường, cứng cỏi như chú Dũng kì vọng. Lúc bé, tôi nghĩ phải như bà nội, như chị Thu Mai mới là mạnh mẽ. Giờ mới nhận ra còn rất nhiều loại biểu hiện khác. Như bác Trâm, như Natsuga, rồi cả Trang nữa. Cô cũng thế. Vì cô là con nhà lính, từ nhỏ lại hay ốm đau nên có sức chịu đựng hơn hẳn người khác, cũng bình thản hơn bất kì ai. Thái Anh không dễ dao động hay hoảng loạn vì những điều không như ý. Hơi quá lãnh đạm nhưng vì thế luôn biết rõ cần phải làm gì. Tất cả những thứ ấy không phải tự nhiên mà có. Chính cô nói với tôi mọi sự trên đời đều có tiền căn hậu quả đấy thôi.

Một khung cửa vụt tắt sáng. Trên khoảng tối rộng dày, một ô vuông khác chợt sáng đèn. Ngây người bên cửa sổ, từng bó cơ, từng khớp xương trên cơ thể bỗng nhiên không biết phải làm gì ngoài việc giữ điện thoại mang theo giọng nói ấy sát chặt bên mình.

– Nghe tôi khen thích không? – Giọng nói khi vui vẻ lúc nào cũng như được cộng hưởng thêm tiếng cười hạ thấp xuống khi Trang Hạ nói tiếp – Cảm ơn Thái Anh.

– Vì cái gì? Tôi…

– Vì tất cả.

Trượt dần xuống khỏi bậu cửa, cô gái ngồi bệt trên sàn, bàn tay đưa lên đỡ lấy gương mặt hơi cúi, che khuất cả hai vành tai. Có thứ gì dâng lên ấm áp mà lại cay cay bao mờ đôi mắt. Mỏng manh lắm, thậm chí còn chẳng có cả hình thù, nhưng lại phải gồng cứng người lên mới ngăn được nó tuôn ra.

Mưa là điều đáng ghét, nhưng không phải cơn mưa nào cũng đáng để quên.

.

.

“Bà thân với Trang Hạ bên lớp Anh lắm hả? Giới thiệu anh em làm quen cái!”

“Bạn ấy đang để ý đứa nào lớp mình đúng không? Thấy ngày nào cũng sang chơi… Tôi ngửi mùi lắm các ông ạ!”

“Lại còn bạn ấy! Tởm!” – Có đứa rú lên, dài giọng chòng ghẹo.

“Thái Anh, bà ra giá đi, tôi theo! Trang Hạ thích gì? Hay nghe nhạc của ai? Bao giờ sinh nhật?”

Dằn hơi mạnh mấy quyển vở xuống mặt bàn, cô gái nhìn lên, gương mặt đanh lại cảnh cáo. Đôi mắt đen vốn lờ đờ, lãnh đạm giờ sắc lại, quét nhìn khắp lượt các bản mặt đã hơi tái đi.

“Cô ấy… có người yêu rồi!”

“Phét! Kể cả thế!” – Vỗ bộp lên đôi vai gầy của cô bạn cùng lớp, một anh chàng khác nháy mắt – “Biết truyền thuyết trường mình chưa? Phù sa không chảy ruộng ngoài. Cùng học Chu thì tôi mới ngán, không thì muỗi!”

“Bà làm phúc đi… Mất miếng nào của bà đâu. Việc mà thành, tôi nhất định sẽ hậu tạ!”

Phủi tay như đuổi con ruồi, dù không muốn gặp Trang Hạ lắm nhưng Thái Anh vẫn đi ra ngoài ngay khi trông thấy một góc gương mặt quen thuộc kia thập thò sau ô cửa kính. Dáng người dong dỏng của cô vừa khéo che kín hết cô gái đương ló mặt vào, bẽn lẽn ngó nghiêng.

“Cô ăn chưa?” – Vừa chạm phải ánh mắt dửng dưng của người kia, mi mắt liền cụp xuống, dán lấy mấy ngón tay di chuyển vòng quanh các góc chiếc cặp lồng nhựa. – “Đi ăn với tôi đi!”

Bỏ đi trước, những tưởng thế là đủ để cô nàng kia hiểu ý, nhưng vừa hối hả bám theo được vài bước, Trang Hạ tụt hẳn lại, hiếu kì nghiêng đầu nhìn vào trong:

“Bọn lớp cô vừa nãy làm gì vui thế?”

Thấy bàn tay kia chớm giơ lên định xã giao đáp lại đám nam sinh, Thái Anh liền nghiêm giọng:

“Nhanh lên không? Hết giờ nghỉ trưa bây giờ!”

“Đây đây!”

Mưa lộp bộp rơi trên những tán cây cao vượt, rậm rì. Thỉnh thoảng, mênh mông lại được điểm xuyết bằng những tiếng xào xạc tràn qua khung cửa mở rộng không bị ngăn chia bởi bất kì chấn song nào. Nghiêng người nhìn xuống theo chiều thẳng đứng, xuyên qua vòng cầu thang gỗ, Trang Hạ nhoẻn cười khi thấy mặt sàng lát gạch đơn sắc hai màu đen trắng như ô bàn cờ ở tít dưới tầng một không nhuốm bóng người lại qua. Trời mưa thế này, dân tình còn trốn ở nhà ăn dài dài. Cởi từng bên giày cao gót, cô thở phào nhẹ nhõm. Duỗi căng gan bàn chân trên sàn nhà mát lạnh, xong xuôi đâu đấy cô rồi vén tà áo dài ngồi xuống. Xám trắng u uẩn của mưa dông viền lên một bên vai, trên sắc trinh nguyên của mây trời.

“Còn đau không?… Mặt cô ấy…” – Trang Hạ lí nhí, cúi gằm ra chiều tỉ mẩn nhấc mấy ngăn đồ ăn đặt lên hai tờ giấy nháp lót trên mặt cầu thang gỗ.

Lắc đầu, đôi mắt rời đi khỏi đôi tất giấy đôi chỗ hoen máu, rách toác bao bên ngoài những miếng băng urgo dán dọc ngang ở cổ chân, ngón chân. Thu giấu bàn chân dưới ống quần lụa, Trang Hạ lẩm bẩm gì đó đại khái về việc không nên đi giày mới ngay như vậy.

“Ăn nhanh lên, đến giờ học bây giờ!” – Giục giã cô gái lúc nào cũng lề mề nhưng chính mình lại không động đậy một ngón tay, cô nữ sinh nhìn qua ba ngăn nhựa rồi quay đi.

Gẩy gẩy mấy hạt cơm trắng, quen nhau đủ lâu để Trang Hạ biết không nên nài ép người trước mặt, dù biết rõ với tình trạng này, dễ chừng từ hôm qua đến giờ Thái Anh không động đến bất kì thứ đồ ăn nào. Mỉm cười đặt đôi đũa sạch còn lại lên cái ngăn đựng miến tôm trộn gần người kia hơn, cô cúi đầu, cắm cúi ăn cho xong bữa.

“Hôm nọ… tôi nói đùa mà cô đánh tôi thẳng tay thật”.

Vẻ tươi tỉnh, cợt nhả tuột dần khỏi hai bên góc miệng. Cơ thể vô thức lùi lại một chút, dựa sát lưng vào bức tường vôi ve mới quét mà hình như đám học sinh kháo nhau rất dễ dây màu vàng. Nghiêng sang hướng khác, Thái Anh không dám nhìn lâu vào đôi mắt hiếm khi nào cô đúc lại sắt đá, đến mức không phản chiếu dù chỉ một điểm sáng của người trước mặt.

“Sửa chữa được như cài lại win thì tốt. Nhưng nếu là lỗi phần cứng…”

“Thế thì Thái Anh đâu còn là Thái Anh nữa”.

Hai bàn tay sắp đan vào nhau chợt lơi ra vì thanh âm trầm thấp ấy. Cô nhìn sang, nheo mắt hỏi dồn:

“Cô từng bảo xu hướng thích ai không nói lên điều gì về con người tôi. Nghĩa là đấy không phải thành phần quan trọng, thiết yếu hay có tính quyết định. Thế thì sửa chữa hoặc cắt bỏ là được, như ruột thừa ấy”.

Nét miệng thường trực một đường thẳng dửng dưng cong lên, cong lên hơn nữa làm lúm đồng tiền in sâu xuống má phải. Khoái chí nhìn vẻ mặt khổ sở suy nghĩ trong tuyệt vọng khi cô ngốc kia bị dồn sát rạt con tiện cầu thang, cô gập ngươi, cười thành tiếng khi nghe lời chống chế:

“Đấy… đấy là một vấn đề triết học. Cô phải tự ngẫm mới hiểu được.” – Cúi thấp đầu để che đi gương mặt đỏ bừng, Trang Hạ đánh bốp một cú lên bờ vai run rẩy của người đối diện. Thu tay lại, không đôi co nữa mà chỉ có giọng nói khẽ trong tiếng thở dài – “Tôi không giống chị Thu Lâm, không biết nói năng có học để thuyết phục người khác. Tôi chỉ thấy cô chẳng phải sửa chữa gì bản thân cô hết. Tôi thích Thái Anh như thế này. Thái Anh có như thế này tôi cũng vẫn thích cô mà. Thay đổi rồi, cô không còn là người tôi biết nữa thì sao?”

“Vì không muốn phải phiền não, buồn bực nữa? Giống như số đông đúng là có thể sẽ đỡ lạc lõng hơn. Nhưng… cô có thực sự thấy cần phải sửa không? Nếu đấy là nguyện vọng của cô, tôi biết người thực hiện được điều đó, chỉ cần một cái giá tương xứng”.

.

.

– Cô ấy và mẹ dù cùng nói một thứ nhưng càng ngày càng hiểu theo những hướng khác nhau. – Bế bổng Dưa đang mon men lại gần lên, Thái Anh dụi trán mình lên đầu nó – Không thể giống Tomoyo-chan, vô tư, thẳng thắn nói chữ thích ấy của tôi và cô không giống nhau[4]. Biết rõ không thể nào, càng không bao giờ… nhưng vẫn muốn nghe cô ấy nói với mình như thế… Mẹ đang tâm sự nghiêm túc với con đấy… Con ngừng hành vi quấy rối lại được không?

Hai đường sọc nở lớn làm đôi mắt xanh vàng tròn xoe có thêm phần bẽn lẽn, long lanh vô tội. Nuối tiếc dụi đầu thêm hai cái nữa vào ngực Thái Anh, Dưa vươn thân hình tròn ủng lên vắt qua bờ vai như một cái khăn, gại gại đầu vào má người đang ôm siết lấy mình.

– Meo?

.

.

.


[1] Congtian, Huangsang: Hai cosplayer Trung Quốc

[2] Saya: cosplayer Nhật Bản. Độc giả có thể google để xem bộ ảnh của chị ấy.

[3] Trích từ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai, đạo diễn Trần Văn Thủy

[4] Nhân vật trong Cardcaptor Sakura của CLAMP.


Bình luận về bài viết này