[Độc huyền cầm] 1 – 2


Chương 2: Mộng

“Nếu là con mẹ con cha

Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê[1]

 

 

 

 

2

Stock: Ảnh thuộc về Nguyễn Nghĩa
(Làng cổ Đường Lâm)

 

-Xin phu nhân mặc thêm áo vào kẻo lạnh. Đầu xuân, trời hãy còn chưa hết rét.

Con hầu độ mười tuổi lách mình qua cánh cửa gỗ bạc màu khép hờ, trên tay cầm tấm áo dệt bằng sợi thô trao cho người thiếu phụ mới ngoài hai mươi đang ngồi bên cửa sổ. Trên tay, nàng cầm khung thêu với sợi chỉ màu đỏ son mỏng mảnh. Con bé không thể không ngẩn ra nhìn người phụ nữ đẹp đẽ, dịu dàng như nắng xuân ấy, không thể thôi mê mẩn nụ cười đôn hậu nở trên đôi môi hồng dịu ngọt kia. Dù thiếu phụ ăn mặc chẳng khác mấy những đàn bà nông thôn chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời có thể gặp ở bất kì đâu trong cái làng Đô Kỳ[2] nhỏ bé này, nhưng từ sâu trong thần thái kia lại toát ra vẻ gì lạ lắm mà đứa bé gái chưa từng thấy ở bất kì ai. Người ta vẫn nói “gái một con trông mòn con mắt”, phải chăng vì lẽ ấy mà gương mặt người phụ nữ thêm ngời sáng, đôi gò má ửng màu hoa đào trong ánh sáng ngày xuân trong trẻo, với nắng vàng buông xuống như tấm rèm mỏng qua mái hiên.

Nàng là Ngô Thị Ngọc Dao.

Không mấy người làng biết rõ thiếu phụ mình hạc xương mai nhường ấy vì lẽ gì cách đây độ ba năm, nàng đột nhiên đến sinh con ở đây, rồi lưu lại trong trang ấp xây trên đất Đô Kỳ được hoàng đế ngự ban cho Đình thượng hầu Đinh Liệt sau chiến thắng giặc Minh. Có người đoán già đoán non Ngọc Dao là con gái bà Đinh Thị Ngọc Kế[3], bởi nàng được cháu nội của Đình thượng hầu gọi bằng chị. Thế thì hẳn nhiên quá rồi, con gái đến kì ở cữ, về nương nhờ nhà mẹ đẻ là chuyện bình thường. Người ta chỉ thấy lạ vì đã vài năm trôi qua, nàng không về lại nhà chồng, cũng chưa khi nào thấy chồng nàng hay họ hàng đằng nội đến đất Diên Hà, Thần Khê thăm cháu trai bao giờ. Nhưng tò mò, thắc mắc cũng để đấy, vì ai chẳng sợ vạ miệng. Người ta ngầm hiểu với nhau rằng, thiếu phụ sống trong nhà ấy ắt chẳng phải người thường.

Ở chốn thôn quê, chuyện nhỏ có thể làm ra to, đồn đại đến ba, bốn đời. Chuyện to cũng có thể làm ra nhỏ rồi thành ra không có gì. Mấy tầng mờ mịt vây quanh Ngô Thị Ngọc Dao xét ra cũng chỉ có từng ấy, người ta vẫn thích nói về phẩm cách của nàng hơn. Ai cũng bảo phu nhân họ Ngô tuy cốt cách cao quý hơn người nhưng chưa khi nào tỏ ra bạc đãi người ăn kẻ ở trong nhà, càng không khinh thường người làng. Lúc nào, nàng cũng mỉm cười ý nhị, nói năng lại dễ nghe, khiến người ta tự nhiên thấy thân thiết. Thỉnh thoảng có buồng chuối ngon hay mẻ tép tươi, họ tiện chân lại nhà cho nàng một ít.

Đứa con trai của Ngọc Dao mới thật làm người ta không khỏi yêu quý. Cậu bé ấy tên Hạo, mới lên ba nhưng nhanh nhẹn, thông minh, gặp ai cũng khoanh tay cúi chào, không vì thân phận cũng thuộc chốn thế gia mà làm cao kiêu ngạo. Âu cái đó người ta gọi là nhìn con biết mẹ, khéo dạy dỗ thì con cái ngoan hiền, tự làm đẹp mặt mình.

-Hạo đâu em? – Nàng ngơi tay thêu dở bông hoa, ngẩng lên hỏi, đôi mắt đen ánh vẻ trìu mến.

-Cậu đang chơi ngoài vườn với mấy đứa trẻ hàng xóm. Phu nhân có cần con gọi cậu vào không ạ? – Con bé hầu lễ phép thưa.

-Ta đã nói rồi, em hơn tuổi thằng bé, cứ gọi Hạo là ‘em’ theo lẽ thường, đừng một hai gọi nó là ‘cậu’ rồi xưng mình là ‘con’ – Ngọc Dao thở dài một cái, ôn tồn cất lời.

-Phu nhân, con không dám đâu. Thân phận của cậu như thế… con nào dám… – Con bé lắp bắp, bao nhiêu lần căn dặn rồi mà phản ứng của nó vẫn y như vậy.

Giơ bàn tay của mình ra cho cô bé trước mặt nhìn, Ngọc Dao cười nhẹ:

-Gái, em nhìn xem, tay ta có khác tay mẹ em không? Em nhìn Hạo xem nó có khác những đứa trẻ ở đây không? Chuyện thân phận đừng nhắc đến nữa. Ta không muốn những điều đó in vào óc một đứa trẻ lên ba. Em cứ coi Hạo như em trai mình là được.

Con bé tên Gái chỉ dám hơi ngẩng đầu nhìn đôi tay của người thiếu phụ. Bàn tay trước đây trắng ngần, mịn màng giờ cũng chai sạn, gầy guộc không khác gì bàn tay của những người phụ nữ làm ruộng. Bàn tay ấy cũng phải giặt giũ, làm việc canh cửi tằm tang, trồng trọt vài thức rau trong vườn nhà. Nói là tư dinh của gia đình Đình thượng hầu nhưng đây không phải chốn có thể ăn trên ngồi trốc, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Gái vẫn nghe mấy gia đinh trong nhà bàn tán, gọi đây là cái giá của trung thần, của thanh liêm. Đấy còn chưa kể hồi mùa thu năm ngoái, chẳng hiểu vì lẽ gì mà cả nhà Thái phó Đình thượng hầu Đinh Liệt tại kinh thành từ trên xuống dưới bị bắt vào ngục.

-Em cứ để Hạo chơi ngoài đó. Đến bữa, dặn thằng bé phải tự rửa tay chân thật sạch mới được ngồi vào mâm. Em chỉ được múc nước dưới giếng lên hộ nó, tuyệt đối không được làm gì hơn, nhớ chưa?

-Dạ phu nhân! – Con bé gật đầu, trên môi nở nụ cười bẽn lẽn rồi co chân chạy mất.

Chút ồn áo Gái mang đến nhạt đi. Ngọc Dao đưa thêm vài mũi kim rồi ngồi thẫn thờ, tựa người bên khung cửa sổ. Gió xuân thổi tới vẫn mang theo hơi lạnh lẫn cả mùi nắng, nên không còn hanh hao như lúc đông hàn. Đôi lông mày dãn ra, ánh mắt phiêu đãng đi đâu rồi chú mục vào đứa bé con trong chiếc áo sợi thô màu đỏ mận đang khom người nhìn con quay bằng gỗ quay tít. Gương mặt bầu bĩnh rạng rỡ, ánh mắt đen lay láy của thằng bé cuốn theo những trò đùa nghịch. Trẻ con vô tư là thế, biết đâu rằng để có một thoáng này, bao nhiêu bão tố đã ập tới; biết đâu rằng đổi lại một khắc nói cười, máu đã phải chảy thành sông. Một bên là đứa trẻ chưa rõ tương lai, một bên là khai quốc công thần cùng ái thiếp uyên bác, là bên nào trọng, bên nào khinh mà thế sự xoay vần đến vậy?

Buông khung thêu xuống cái rổ đầy những cuộn chỉ đủ màu, Ngọc Dao vẫn thấy lòng mình rối như tơ vò hệt như cái đêm xưa cũ ấy trong cung Khánh Phương.

***

Năm ấy là năm Đại Bảo thứ hai[4], cuối đông.

Ánh đèn leo lét run rẩy trong tẩm cung lạnh lẽo của bà Tiệp dư[5] mang tội, do dám ngang nghiên trước mặt rồng giở tà thuật ám hại Hoàng thái tử Bang Cơ mới lọt lòng để cầu sủng hạnh. Ngọc Dao còn nhớ mãi sự bàng hoàng đến chết đứng khi cái tội trời không dung đất không tha ấy truyền đến cùng án chết lơ lửng trên đầu. Ngọn lửa trong đĩa dầu đặt trên giá đèn chim loan chỉ còn là một đốm tàn. Đột ngột, ánh lửa khơi lên, hắt sáng lên gương mặt lễ nghi học sĩ[6] Nguyễn Thị Lộ. Dịu dàng nhìn đáp lại, bà thong thả ngồi xuống trước mặt nàng, dùng bàn tay ấm áp của mình nắm lấy bàn tay run rẩy lạnh ngắt kia, trầm giọng nghiêm túc hỏi:

-Thần chỉ muốn hỏi Tiệp dư một câu, chuyện bùa ngải ấy người có nhúng tay vào hay không?

-Ta không làm! – Nàng đáp ngay, cuống cuồng như đẩy một thứ ghê tởm đang lăm le bò lên người mình rơi xuống đất.

Chuyện tranh đoạt hậu cung giữa mấy phi tần đương son trẻ, quây xung quanh ông vua đang tuổi thanh niên, tương lai rộng mở khiến người ngoài không biết ai phải, ai sai, ai mới thực là nạn nhân, hay đó chỉ là kẻ chưa gặp dịp thuận lợi để giở trò. Lòng dạ đàn bà hẹp hòi, lòng dạ đàn bà chốn thâm cung càng hẹp hòi hơn nữa. Những lời nói ra từ những đôi môi xinh đẹp nhường kia bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là hư hòng quanh co chối tội cũng là ẩn số khiến người ta phải ngờ vực, hoài nghi như một lẽ đương nhiên. Vậy mà trong một thoáng, gương mặt Nguyễn Thị Lộ lại hiện vẻ nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trong lòng:

-Thần cũng nghĩ Tiệp dư không dám làm cái việc đại nghịch vô đạo đến vậy.

Nụ cười khô héo khó khăn lắm mới nở được trên môi úa tàn ngay khi Thị Lộ tiếp lời, ánh mắt đau đáu bồn chồn:

-Nhưng đó chỉ là ý của mình thần. Còn quan gia[7] lại nghe theo lời Nguyễn Thần phi[8], hạ lệnh xử người bị voi giày.

-Không… không thể nào! Đứa bé chưa ra đời này là con ruột của bệ hạ, người không nỡ… không thể nỡ… – Nàng lắp bắp, nước mắt trào ra khỏi đôi mắt thất thần, lăn dài trên gò má nhợt nhạt. Ngọc Dao hoảng hốt đưa tay vòng quanh bụng mình, lắc lắc đầu chối bỏ những điều mới nghe.

-Quan gia đã nỡ rồi! – Thị Lộ nhắm mắt thở dài, người phụ nữ đẹp nhường ấy, uyên bác, điềm tĩnh nhường ấy trong một khắc như già đi – Nhưng xin Tiệp dư an lòng, việc bây giờ người có thể làm là giữ gìn sức khỏe của bản thân và long thai trong bụng. Phu quân của thần và thần sẽ hết sức giúp người.

-Liệu có thể sao?

Nụ cười ngờ vực hiện trên môi, giọng nàng chợt nghe sắc lạnh trong đêm tối.

-Cha giết con, nhất là khi đứa con ấy chưa chào đời là chuyện không ai có thể dung thứ. Quan gia là người thông hiểu sách thánh hiền, chắc chắn sẽ nghe ra đạo lý này. – Nguyễn Thị Lộ hơi vươn người tới trước, nói gấp nhưng từng lời vẫn rất rõ ràng – Tiệp dư từ khi nhập cung không có điều tiếng gì. Hơn nữa, dựa vào công trạng của ông nội người, dựa vào tước Thái bảo của phụ thân người[9], cùng những năm cùng Thái Tổ Cao hoàng đế[10] nếm mật nằm gai, thần tin chưa chắc đây đã là bước đường cùng.

-Phu nhân, ta biết phải cảm ơn người thế nào cho phải? – Nàng dợm đứng dậy định hành lễ tỏ lòng cảm tạ thì bị Thị Lộ ngăn lại.

-Tiệp dư chớ nói vậy! – Người phụ nữ đưa tay ra đỡ hai cánh tay nàng, tà áo màu lam nhạt khẽ bay bay, thoảng đưa tới mùi giấy mực – Đây là chuyện bề tôi phải làm để giúp quan gia giữ gìn xã tắc. Còn chuyện cháu gái của Tiệp dư, đó cũng là con gái nuôi của thần, xin người chớ bận lòng.

Trong ánh sáng của ngọn đèn con, trước khi cáo từ, Nguyễn Thị Lộ còn ngoảnh lại. Trên gương mặt điềm đạm, thâm trầm điểm một nét cười nhẹ khiến lòng Ngọc Dao dịu lại đôi chút. Nàng tin vào trí tuệ, vào đức hạnh của Lễ nghi học sĩ – người xét ra cũng là thầy dạy của đức vua; lại càng tin vào tài năng của phu quân người ấy – Hành khiển Nguyễn Trãi, bậc khai quốc công thần từ thời Thái Tổ, nay đang được đương kim hoàng đế vô cùng tín nhiệm. Nhưng dù sao đây là chuyện nhà của quan gia, người ngoài liệu có thể tùy ý can gián? Huống hồ, nhà vua đang sủng ái Thần phi họ Nguyễn đến vậy. Huống hồ, người ấy đã sinh hoàng tử nối dõi cho người?

Bao đêm chong đèn không dám chợp mắt, bao ngày tựa cửa bồn chồn, dù Ngọc Dao có cố ăn uống cũng chỉ thấy mồm miệng nhạt thếch. Cuối cùng, vào một buổi chiều chạng vạng, nữ tỳ cuống cuồng chạy vào bẩm báo mà suýt vấp ngã mấy lần. Nó thưa rối rít:

-Tiệp dư… Tiệp dư… Lễ nghi học sĩ đã xin quan gia nương tay mà thu lại lệnh xử tử mẹ con người rồi. Giờ… đổi ra… lưu đày. Quan gia… đã chuẩn tấu rồi ạ.

Lưu đày? Vậy là dời khỏi hoàng cung? Nàng lúc ấy dường như thấy mắt mình nhòe nước. Người ta nghĩ Ngô Thị Ngọc Dao không cam tâm rời bỏ lầu son gác tía, không cam tâm chấp nhận số phận mới được sủng ái, tưởng có thể hóa phượng hoàng giờ tan thành tro bụi. Đâu ai biết được thành quách lâu đài đến bước đường cùng bên bờ sinh – tử đều không sánh nổi với tính mạng con người, càng không sánh nổi với tính mạng đứa trẻ chưa ra đời. Đó là suy nghĩ quá đỗi bình thường mà sống trong tranh đoạt, nhung lụa quá lâu, người ta cơ hồ như quên mất.

Nguyễn Trãi và ái thiếp Nguyễn Thị Lộ không những can gián được Hoàng đế, mà còn chu đáo thu xếp đưa Ngọc Dao ra tạm trú ở cạnh chùa Huy Văn[11]. Lễ nghi học sĩ trước mặt nhà vua không thể nói thẳng chuyện gièm pha tiệp dư họ Ngô dùng bùa ngải là trò tiểu nhân, rất thiếu sức thuyết phục, bởi quan gia và Nguyễn Thần phi hương lửa đương nồng, thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện. Nương theo tội danh gán cho Ngọc Dao, viện đến công lao của thân phụ nàng, Thị Lộ xin Hoàng đế giam Tiệp dư ở chùa Huy Văn, ngày ngày quỳ trước tam bảo ăn năn tội mình, sinh con xong rồi hãy tiếp tục truy cứu.

Lúc đó, ai cũng nghĩ chuyện ấy chỉ đơn giản là cứu hai mạng người vô tội, chuyện tranh đoạt hậu cung đến thế là xong. Tuy không thể nhổ cỏ tận gốc nhưng Thần phi Nguyễn Thị Anh đã có thể kê cao gối ngủ kĩ với thân phận mẹ Hoàng thái tử của mình. Nhưng dân gian có câu cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Là chủ ý của Nguyễn Thần phi hay phe cánh muốn lấy lòng bà ta nên mới truy cùng đuổi tận vị Tiệp dư thất sủng đến tận chốn cửa chùa. Ngọc Dao lại lưu lạc ra An Bang[12] theo sự xếp đặt của Nguyễn Trãi rồi được Đinh Liệt, Nguyễn Xí cử người đón về Đô Kỳ khi gần ngày mãn nguyệt khai hoa. Mảnh đất này lắm lúc nàng cũng tự hỏi liệu đã là chỗ dừng chân cuối cùng hay chưa? Cuộc đời như sóng nơi cửa bể, hết lớp này đến lớp khác xô tới hãi hùng. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ bốn, năm năm mà dài tựa một kiếp, khiến người ta ngẫm lại trong lúc thư nhàn không khỏi rùng mình sợ hãi.

-Mẹ!

Một bàn tay nhỏ nhắn níu níu kéo kéo tay áo khiến nàng giật mình nhìn xuống, vờ cầm lấy khung thêu để che đậy suy tư trước mặt con trẻ. Ngọc Dao cười hỏi:

-Hôm nay con chơi những gì, vui không?

Hạo nhảy lên cái ghế gỗ gần đó, đung đưa hai chân, đôi mắt nheo nheo lại bắt chước mấy vị nho sinh suy nghĩ, tay còn vờ vuốt vuốt cằm như thể vuốt râu.

-Con chơi đánh khăng, đánh đáo với tụi thằng Hợi, thằng Mão – Cậu bé cười hì hì – Chúng nó còn dạy con trèo cây lấy tổ chim nữa.

-Tổ chim? – Ngọc Dao ngẩng lên, hỏi lại – Mấy đứa lấy tổ chim xuống làm gì?

-Chơi thôi ạ. Mấy cái trứng chim lốm đốm, bé xíu nhìn hay lắm í! – Hạo luyên thuyên một thôi một hồi, mắt sáng lên khi nhớ lại lúc mình nằm ép bụng trên càng cây to cách mặt đất chừng hơn thước, đưa tay với với cái tổ con con – Rồi chị Gái gọi con về ăn cơm. Thế thôi ạ!

Gài cây kim thêu lên mặt vải, người thiếu phụ xoay mình để có thể nhìn thẳng vào mặt cậu bé, ôn tồn hỏi:

-Thế cái tổ chim đó giờ ở đâu?

-Cái này… – Thằng bé đưa tay lên gãi đầu tóc để trái đào của mình, mắt như có ý né tránh ánh nhìn của mẹ một cách vụng về – … con… con…

-Làm sao? – Nàng nghiêm giọng.

-Con định… cứ để đấy đi về nhưng anh Tuấn không cho. Anh ấy… nói nhiều lắm, nói cái gì gì con không hiểu. Chỉ nhớ anh ấy bảo trứng chim cũng như trẻ con, nếu giờ con đi mất, mẹ không tìm thấy thì sẽ rất lo lắng… Nên… anh ấy bảo đứa nào lấy tổ chim xuống thì trèo lên trả lại chỗ cũ.

Thằng bé cúi đầu, giọng nhỏ dần, bàn tay vân vê gấu áo. Xưa nay Hạo quen nghe người ta khen mình, cũng tự nghĩ bản thân lanh lợi thông minh. Đây là lần đầu bị một đứa lớn hơn vài tuổi thuyết giáo nên nó không khỏi cảm thấy xấu hổ. Thằng bé tên Tuấn mới bắt đầu đi học mà đã hiểu biết như thế, hôm nào còn chơi đánh trận giả với đám trẻ con, giờ đã lớn thật rồi. Ngọc Dao giả vờ ho để che đi nụ cười trên môi, cúi xuống hỏi:

-Con thấy điều anh Tuấn nói là đúng hay sai?

-Là đúng ạ! – Hạo ngẩng phắt đầu lên, mắt sáng rực như thể từ nãy đến giờ nó đã nghĩ ra một cái gì đó rất hay – Mẹ, mẹ cho con đi học, con cũng muốn có thể nói hay như thế.

-Học chữ không phải để nói cho hay – Nàng cười, xốc thằng bé đứng dậy để chỉnh lại áo ngoài cho nó – Chuyện này lớn lên từ từ con sẽ hiểu. Muốn đi học cũng phải để mẹ thu xếp đã. Giờ ra ăn cơm đi.

-Mẹ cũng ra xơi cơm!

Thằng bé con ton ton chạy ra cửa, định trèo qua bậu cửa cao thì ngoái lại, híp mắt cười.

-Con với bà ngoại ăn trước đi. Mẹ còn đang dở việc.

Nàng đứng dậy ngay sau khi Hạo bước ra khỏi buồng, nhanh tay gói lại bọc quần áo đặt trên sập gỗ với một bên chân đã bị mọt gặm, thỉnh thoảng lại kêu kèn kẹt nỉ non. Bên trong ấy là mấy chiếc áo gấm, áo lụa năm xưa Ngọc Dao từng mặc lúc còn trong cung. Chỉ cần nhác trông thấy, chắc chắn Hạo sẽ hỏi nàng đến khi nào có được đáp án vừa lòng mới thôi. Lẫn giữa những lớp nhung y mịn màng là chiếc áo xổ gấu[13] Ngọc Dao và một chiếc áo khác nhỏ hơn của Hạo. Sau khi thằng bé chào đời chẳng bao lâu, cha nó đột ngột băng hà. Người vừa nằm xuống, sau ngày rằm năm ấy, ba họ nhà Hành khiển Nguyễn Trãi cũng bị trảm quyết vì tội mưu sát hoàng đế. Án tuyên: chủ mưu là Nguyễn Trãi. Ai cũng nói Thị Lộ là hung thủ giết vua.

Những chuyện ấy Ngọc Dao chỉ được người ta kể cho nghe. Ở nơi thôn quê này, tin tức ấy truyền đến cũng gây ra những chấn động, những lời bàn ra tán vào xôn xao sau lũy tre làng. Nhưng với nàng, mọi chuyện chỉ như gió thoảng ngoài song. Áo tang trên người là để tiễn biệt phu quân, cũng là để tiễn biệt ân nhân. Ngọc Dao không thể ngờ cái đêm tại chùa Huy Văn ấy là lần gặp gỡ cuối cùng, càng không thể ngờ những lời mình đã hứa giờ chẳng thể nào thực hiện.

“Ơn cứu mạng của đại nhân và phu nhân không khác gì ơn sinh thành của cha mẹ. Chỉ cần mẹ con ta còn có thể sống trên đời, nhất định sẽ báo đáp công ơn này!”

“Tiệp dư, xin người đứng dậy. Người làm thế này lão thần đâu dám nhận!” – Nguyễn Trãi có chút bối rối trước hành động của nàng, vội quỳ xuống vái tạ.

“Chuyện của ta sợ rằng không phải chỉ là hậu phi tranh sủng. Nhỡ may lại phạm đến đại nhân… Quan trường hiểm ác, đại nhân, phu nhân xin muôn phần cẩn trọng!” – Nàng cố nói nốt những lời tâm can trước khi được Nguyễn Thị Lộ dìu đứng dậy, khuyên nàng nên nhanh nhanh chóng chóng dời đi An Bang trong đêm, tránh tai mắt của Nguyễn Thần phi được lúc nào hay lúc đó.

“Quan gia tuy còn trẻ tuổi nhưng là bậc minh quân, chỉ là nhất thời không nhìn ra mưu chước đàn bà nhỏ mọn. Tiệp dư xin cứ an lòng. Phu thê tôi một khi đã chọn làm việc này, thực lòng không sợ gì hết. Giờ xin người đi ngay, tránh để có biến, lúc đó e khó bảo toàn”.

Nguyễn Trãi cười trấn an, đưa tay nâng tấm rèm rồi giục Ngọc Dao lên kiệu. Tấm vải màu hồng nhàn nhạt phủ xuống làm những hình ảnh trước mắt trở nên mờ ảo. Thật thật giả giả bện xoắn vào nhau làm lòng người tan tác như cánh hoa tàn trong cơn gió nghịch mùa.

Đời người hóa ra cũng tựa canh bạc, được – mất chỉ trong một khắc. Cái đúng, cái sai, trung thần hay nghịch tặc cũng đến thế mà thôi.

***

Đưa tay đắp lại chiếc chăn cho thằng bé, Ngọc Dao khẽ khàng vén màn, bước xuống giường. Nàng không dám thắp nến vì sợ làm mẹ mình thức giấc. Từ lúc nàng về Đô Kỳ, chưa lúc nào bà có thể yên lòng ngủ một giấc không mộng mị. Giữa mấy gian nhà không rộng, không hẹp có thể nghe thấy rõ tiếng trở mình thao thức, nghe rõ tiếng thở dài ai oán não ruột. Cánh cửa mở hé tạo thành một khe sáng hẹp màu xám xanh trên nền gạch, nàng ngoái nhìn lại rồi mới rón rén bước ra thềm, tựa người vào cây cột gỗ để mộc không sơn.

Trời trong không một gợn mây. Trăng mới nhú trinh nguyên giá lạnh trên nền lam đen mượt như nhung. Ngọc Dao đưa tay kéo lại chiếc áo khoác ngoài, cười nhẹ một mình. Cái áo lụa mềm mại năm xưa khoác lên thân hình yểu điệu lúc còn là Tiệp dư so với cái áo sồi bây giờ, thứ nào mang lại tự do, nàng đã có lời đáp. Giờ Ngọc Dao như chim sợ cành cong, chỉ mong Hạo có thể bình an trưởng thành, tránh xa mọi thi phi, tranh đoạt đã là quá đủ. Hoàng cung ư? Ngọc Dao mong cả đời đừng khi nào quay lại. Nàng mong thế, cầu trời khấn Phật là thế nhưng trong thâm tâm biết rõ, đó chỉ là ảo tưởng. Bằng linh tính của mình, người thiếu phụ biết đau thương, tang tóc đến thế mới là khúc dạo đầu. Không phải cứ muốn an phận thủ thường thì được an phận thủ thường, mưa dập sóng dồn ấy là do trời, do người mà kéo đến.

Mùa thu năm ngoái, tin Thái phó Đinh Liệt cùng gia quyến không rõ tội trạng gì mà bị bắt giam truyền đến Đô Kỳ, Ngọc Dao đã cảm thấy những ngày yên ổn của mẹ con mình đang dần dần vuột khỏi tầm tay. Nàng thoáng rùng mình, vội nhắm mắt lại, hai bàn tay xiết chặt lấy nhau. Một Nguyễn Trãi, một Nguyễn Thị Lộ cũng những người vô tội khác bị cuốn vào cuộc chiến, để kết thúc bằng những cái chết thảm khốc nhất. Sau họ, liệu còn những ai nữa?

Bóng lá đung đưa trong ánh trăng.

Những năm tháng đã qua tựa giấc mộng hồng trần, thoắt đến, thoắt đi. Cái còn lại e rằng không phải là vương vấn.

Trải mười năm nếm mật nằm gai, cùng Thái Tổ đánh đuổi quân xâm lược khỏi giang sơn, tưởng rằng cha nàng được phong đến tước Thái bảo đã là vô vàn sủng ái. Ai ngờ được Hoàng đế muốn đoàn kết quân thần trên dưới thành đại gia đình, ngoài việc ban quốc tính[14] còn cho tuyển lựa con gái đến tuổi cập kê, tư dung xinh đẹp từ nhà các bậc công thần vào cung làm con dâu người. Vây quanh Hoàng thái tử Lê Nguyên Long[15] khi ấy nào có con gái Lê Sát là Lê Thị Ngọc Dao, con gái Lê Ngân là Lê Thị Nhật Lệ. Thân phụ của cả hai phi tần ấy đều thuộc hàng trọng thần khai quốc, quyền khuynh thiên hạ. Sau khi đăng cơ, Hoàng đế Nguyên Long còn sủng ái Dương Thị Bí rồi đến Nguyễn Thị Anh. Nhìn qua đã có thể thấy đế vương đa tình đến thế nào, hoa thơm cỏ lạ vốn chẳng thiếu. Hai cô con gái của Ngô Từ là Ngọc Xuân và Ngọc Dao nhập cung chỉ vì lời dụ năm xưa của Thái Tổ. Lòng vốn chẳng nuôi hy vọng, đến chữ ái tình khi ấy còn chưa chắc đã dám nói mình hiểu hết.

Mùa hạ lúc Ngọc Dao tiến cung, ai cũng nói nàng may mắn hơn chị nhưng giờ ngẫm lại, là ai thực may mắn hơn ai? Năm đó, Ngô Thị Ngọc Dao có phúc phận được Hoàng đế trẻ tuổi để mắt đến, phong làm Tiệp dư. Nhưng hai chữ “tình yêu” chỉ như bướm vờn hoa, đậu rồi lại bay.

“Nàng ngẩng mặt lên. Nói cho ta, tên nàng là gì?”

“Thần nữ… là Ngô Thị Ngọc Dao, con gái Thái bảo Ngô Từ, nhà ở…”

“Hóa ra là nàng, ta đã nghe nội quan nhắc đến. Đúng là một cô gái đẹp, lại rất đoan trang. Hoàng cung này của ta, nàng lưu lại được chứ?”

Giờ nhớ lại, Ngọc Dao vẫn thấy vang lên bên tai giọng nói trầm ấm ẩn tiếng cười sảng khoái, nửa như bông đùa, nửa như nghiêm túc ấy; vẫn thấy hiện ra trước mắt gương mặt rạng rỡ, tuấn tú của người. Trong một thoáng, thực lòng nàng không nghĩ đối diện mình là bậc đế vương ngự trên ngai vàng, trị vì cả một quốc gia rộng lớn. Nguyên Long lúc ấy trong mắt Ngọc Dao giống một cậu thiếu niên đang trưởng thành, vô tư vô lo hơn. Và nàng lúc ấy cũng chỉ là thiếu nữ chưa được ai dạy cho biết hậu cung thực sự là chốn thế nào. Một lần gặp gỡ nói nói cười cười. Một lần ái ân hạnh phúc. Chỉ một mà đổi lại đằng sau biết bao ngang trái, chìm nổi, đắng cay.

Từ sau song cửa, một ánh mắt đen lay láy trông ra ngoài hiên, dõi theo cái bóng chênh chếch của người thiếu phụ. Hạo kiễng chân, bám mười đầu ngón tay lên bậu cửa, chăm chú nhìn. Nó từng hỏi mẹ: “Cha ở đâu, sao cha không đến thăm con?”. Ngọc Dao chỉ ôm xiết nó vào lòng, thủ thỉ bằng giọng nói như nghèn nghẹn: “Cha mất rồi. Giờ mẹ chỉ có mình con… nên… con không được được làm mẹ đau lòng, nhớ chưa?”. Thằng bé nghe vậy liền ôm chặt lấy nàng, hỏi điều hiển nhiên đứa trẻ nào cũng muốn biết: “Cha có yêu con không hả mẹ?”.

Câu hỏi ấy Ngọc Dao không có lời đáp.

Hạo từ đó về sau không khi nào nhắc lại thắc mắc đó, cũng không khi nào nói về cha trước mặt mẹ nữa.

***

Con cái Gái mới theo hầu Ngọc Dao chưa đầy một năm, u nó cùng với một người phụ nữ ngoại tứ tuần nữa là nhũ mẫu chăm sóc cho mẹ con người thiếu phụ ấy. Giờ Hạo đã lớn, có thêm nhiều việc nên u mới gọi con bé từ quê lên phụ giúp. Nói là nói thế nhưng Gái cũng chẳng phải làm gì nhiều. Những việc phu nhân có thể tự làm đều không để hai nhũ mẫu đụng vào. Người còn học cả xe sợi, dệt vải giống hệt mọi người, rồi lại tự tay may quần áo cho con trai mình. Mẹ cái Gái có can, nói đó là chuyện của kẻ dưới nhưng Ngọc Dao nhất quyết không chịu. Đây là lần đầu con cái Gái dời khỏi lũy tre làng, nhưng nó nghĩ mình biết rõ vợ lớn, vợ nhỏ trong nhà mấy tay địa chủ ở làng chẳng bao giờ làm mấy việc vặt vãnh đó chứ chưa nói đến những quý phu nhân xuất thân cao sang. Thế nên cái Gái không hiểu, mẹ nó cũng không hiểu cách sống của Ngọc Dao nhưng tuyệt nhiên không dám thắc mắc nhiều.

-Phu nhân đâu con? – Người phụ nữ đứng tuổi tên Hiến bưng khay trà vào, cúi xuống hỏi.

-Phu nhân ở trong buồng ạ. Thôi con ra sân trông chừng cậu… à… em Hạo đây! – Gái nghiêng đầu, cười phô hàm răng sún.

-Liệu mà nhìn nồi canh hầm trong bếp đấy nhớ! – Bà nghển cổ gọi với theo cái bóng như con chim chích của con bé, thoắt cái đã thấy nhảy từ bậc thềm xuống sân rồi.

Chỉnh lại cái áo nâu sồng và dải lụa thắt quanh chiếc váy đụp, bà Hiến gõ nhẹ vào cánh cửa gỗ, thưa:

-Phu nhân, tôi vào được chứ?

-Bác cứ vào! – Bên trong truyền ra giọng nữ ấm áp tựa như đang cười.

Dáng vẻ Ngọc Dao từ cái lần đầu tiên người đàn bà gặp đến bây giờ không hề thay đổi: ung dung, thanh cao, dù trong cơn nguy biến cũng không quên lễ tiết, không để lộ những bất án cho người ngoài thấy bao giờ. Bà Hiến nhớ cái đêm mùa hè ba năm trước, gia đình bà đã đi nghỉ từ lâu mà lại nghe giữa tiếng mưa quất xuống rào rào như ném đá là tiếng đập cửa gấp gáp. Một người đàn ông mình khoác áo tơi ướt sũng, tay chân trắng bợt vì ngấm nước bồn chồn đi đi lại lại trước cửa nhà. Mới nhác trông thấy ánh sáng từ đĩa đèn trên tay bà, ông ta đã vội chạy xô tơi:

“Cô, cô phải đi ngay. Phu nhân nhà tôi đang trở dạ, giờ trong nhà không biết phải làm thế nào!”

Trời mưa lớn quá, đêm cũng đã khuya, thực bụng bà chẳng muốn đi, nhưng phần vì cái tiếng là bà đỡ mát tay nhất đất Diên Hà, Thần Khê, phần vì nghĩ người ta đội gió, đội mưa đến tìm lúc đêm hôm khuya khoắt chắc thực là việc gấp, nên bà Hiến mới vội khoác áo đi theo. Thân gái dặm trường, bà Hiến không hiểu thiếu phụ chửa vượt mặt ấy tại sao phải khổ sở đi một quãng đường xa đến thế trong lúc đã cận ngày sinh, nên đâm ra ái ngại cho nàng. Đường xá xa xôi, xóc nảy đã sớm hành Ngọc Dao không còn sức lực, vất vả mãi đứa trẻ mới ra đời. Lúc ẵm cậu bé đó hỏn ấy trên tay, bà Hiến thấy giời thương cho mẹ con họ cuối cùng cũng được vuông tròn. Tuyệt nhiên từ cái đêm ấy đến tận bây giờ, chưa lúc nào Ngọc Dao nhắc đến nhà chồng trước mặt bà, bà vú ngầm hiểu ẩn tình trong đó nên không hỏi bao giờ.

-Phu nhân cho gọi nhà tôi là vì việc gì ạ?

Ngọc Dao ngẩng lên, cười nhẹ:

-Bác có nghe thấy người từ kinh sư về nói gì về chuyện gia đình Thái phó không? Có tin tức gì mới không?

Người đàn bà thở dài, lắc đầu. Ngón tay Ngọc Dao miết miết góc chiếc khăn lụa đang thêu, môi mím chặt lại. Trông nàng, bà Hiến suy nghĩ một rồi rồi đánh bạo nói vào cái điều cấm kỵ xưa nay vẫn luôn ghim chặt trong lòng:

-Phu nhân, tôi không biết tại sao người lại đến đây, cũng không biết người phải mang những gánh nặng gì trên vai. Nhưng, phúc đức tại mẫu, phúc đức tại mẫu, giời không nỡ tuyệt đường của người bao giờ.

Trời không nỡ tuyệt đường của người…

Không nỡ?

Cái đêm Ngọc Dao dời chùa, Nguyễn Thị Lộ có ghé sát tai nàng dặn rằng: “Nếu sau này thực có ngày Tiệp dư quay lại Đông Kinh[16], nếu Nguyễn Thần phi vẫn còn trong cung, xin người vạn nhất không được quay lại hoàng cung, bằng giá nào cũng phải xin ra ở chùa Huy Văn”.

Phải chăng vợ chồng Nguyễn Trãi đã nhìn ra điều gì mà nàng không biết? Phải chăng lời căn dặn ấy chắc chắn sẽ có ngày phải dùng đến?

.

.

.

.

*** Một số sự kiện và phỏng đoán lịch sử được sử dụng trong chương 2:

(Thời điểm bắt đầu Độc huyền cầm là năm 1445 – Thái Hòa năm thứ 3)

-Hoàng thái tử Lê Nguyên Long (Lê Thái Tông) là con thứ của Lê Lợi (Lê Thái Tổ), lên ngôi khi mới 10 tuổi. Lê Sát, Lê Ngân vừa là bố vợ vua, vừa là đại thần phụ chính, phò tá ấu chúa, nhưng do quyền khuynh thiên hạ, nhiều lúc lấn át vua, chèn ép những người không cùng phe cánh. Về sau, chính Thái Tông dẹp bọn quyền thần, hai cô con gái của Lê Sát, Lê Ngân cũng thất sủng.

-Lê Nguyên Long có tất cả 5 bà vợ được nhắc đến trong chính sử (Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh, Lê (Thị) Nhật Lệ, Lê Thị Ngọc Dao, Ngô Thị Ngọc Dao). Vua băng hà khi mới 20 tuổi, có tất cả 4 người con trai (Trong chương này mới nhắc đến Lê Bang Cơ và Lê Hạo)

-Nguyễn Thị Anh gièm pha với vua chuyện Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao dùng bùa chú ám hại Lê Bang Cơ (được lập làm Hoàng thái tử tháng 11/1441), xin khép Tiệp dư vào tội bị voi giày. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ra sức can gián, xin đổi từ án giết ra lưu đày ở chùa Huy Văn. 20/7/1442 (Đại Bảo năm thứ 3), con trai của Tiệp Dư và Thái Tông ra đời. Nguyễn Trãi từng thu xếp để Tiệp dư lánh ở An Bang. Theo một số tư liệu mới (ngọc phả, gia phả) thì có thể Lê Hạo sinh ở Đô Kỳ.

-Cái chết của Lê Thái Tông kéo theo vụ án Lệ Chi Viên: Cuối tháng 7 năm 1442, vua Thái Tông đi tuần phía đông, đầu tháng 8 đến Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 vua về đến trại Vải (Lệ Chi Viên), có Nguyễn Thị Lộ (vợ lẽ Nguyễn Trãi) theo hầu. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Vua thức suốt đêm hôm đó với Nguyễn Thị Lộ rồi qua đời. Mọi người đều nói Nguyễn Thị Lộ giết vua. 16/8/1442 (âm lịch), vợ chồng Nguyễn Trãi và ba họ bị xử tội chết.

-Năm 1442: Lê Bang Cơ (Lê Nhân Tông) lên ngôi khi mới 2 tuổi. Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nhiếp chính. Tháng 7/1444 (Thái Hòa năm thứ 2) bắt giam thái phó Đinh Liệt, chính sử không nói lý do.

.

.

 

.

[1] Tương truyền khi Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao hạ sinh, vì sinh khó nên bà khấn trời bằng câu thơ này. Lời khấn linh ứng, ngay sau đó bà sinh ra vua (tức Lê Thánh Tông Lê Tư Thành). Giả thuyết trong Độc huyền cầm dựa vào bài báo “Những tư liệu về dòng họ Đinh trên đất Thái Bình có liên quan tới việc lên ngôi của vua Lê Thánh Tông” của tác giả Mai Hồng, đăng trong Thông báo Hán Nôm học 1997 (trang 188-206)

[2] Thuộc đất Diên Hà, Thần Khê, nay thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

[3] Đinh Thị Ngọc Kế: Con gái Đinh Lễ, cháu ruột Đinh Liệt, vợ Thái bảo Ngô Từ, ngoại tổ mẫu của Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông)

[4] Niên hiệu Đại Bảo (1440 – 1442) dưới thời Lê Thái Tông. Đại Bảo năm thứ 2 tương ứng với năm 1441

[5] Đứng đầu lục chức (sáu chức cung giai), ở dưới hoàng hậu, tam phi và cửu tần (Tham khảo theo quy chế hậu phi thời Hồng Đức).

[6] Chức nữ quan phong cho người dạy dỗ các phi tần trong hậu cung thay Hoàng đế, Hoàng hậu

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ vẫn tự xưng là “quan gia” (theo nếp cũ nhà Trần), nên isis đoán định rằng thời trước (Lê Thái Tông, có thể cả Lê Thái Tổ) vẫn theo lệ này thì thời sau mới có chuẩn mực để noi theo/bắt chước.

[8] Thần phi họ Nguyễn tức Nguyễn Thị Anh, được Lê Thái Tông sách phong sau khi bà hạ sinh Lê Bang Cơ.

[9] Ông nội Ngọc Dao là Ngô Kinh chuyển cư từ Bắc vào, làm công cho hào trưởng họ Lê ở Lam Sơn. Cha bà là Ngô Từ theo hầu Lê Lợi từ khi còn nhỏ. Sau này Lê Lợi khởi nghĩa, cha con Ngô Từ hết lòng lo lương thảo, được tuyên dương công trạng. Khởi nghĩa thành công, Ngô Từ được phong chức Tả Kim ngô, Thượng tướng quân, tước Thái bảo (Theo Kỷ yếu hội thảo khoa học, sách trong danh mục TLTK).

[10] Thái Tổ Cao hoàng đế tức Lê Lợi (Ở đây gọi theo cách định danh trong Đại Việt sử ký toàn thư)

[11] Chùa Huy Văn nay nằm trong ngõ Văn Chương, cạnh số nhà 147 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.

[12] Tức Quảng Ninh ngày nay

[13] Áo xổ gấu: Áo để tang

[14] Ban họ của Hoàng đế cho công thần

[15] Tức Lê Thái Tông

[16] Tên gọi Thăng Long dưới thời Lê Sơ, để phân biệt với Tây Kinh (Lam Kinh) ở Thanh Hóa.

Một suy nghĩ 4 thoughts on “[Độc huyền cầm] 1 – 2

Bình luận về bài viết này